Thế giới

Đằng sau bức ảnh “Người đàn ông rơi” trong vụ 11-9

Bức ảnh “Người đàn ông rơi” là một trường hợp khác hẳn những tấm ảnh phổ biến nhất về sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ thường chụp máy bay và tòa tháp đôi.

Bức ảnh nêu trên - được ông Richard Drew chụp vào thời điểm sau khi tòa tháp đôi bị tấn công - mô tả cách thoát khỏi tòa nhà đang đổ sụp xuống của một người đàn ông.

Trong ngày xảy ra đại họa trên, “Người đàn ông rơi” là bức ảnh hiếm hoi khắc họa khoảnh khắc cận kề cái chết của một con người trong số những bức ảnh được xem nhiều nhất.

Tấm ảnh được đăng rộng rãi trên nhiều tờ báo khắp nước Mỹ vài ngày sau vụ tấn công nhưng phản ứng dữ dội của độc giả buộc nó phải tạm thời chìm vào quên lãng. Trong bức ảnh, người đàn ông đang rơi thẳng xuống đất ngay giữa 2 tòa tháp như một mũi tên đang lao đi.

Bức ảnh nổi tiếng "Người đàn ông rơi". Ảnh: Richard Drew


Danh tính của “Người đàn ông rơi” đến nay vẫn là một bí ẩn, nhưng nhiều người tin rằng nạn nhân là một trong những nhân viên của nhà hàng Windows on the World, nằm trên tầng cao nhất của tòa tháp phía Bắc.

Tuy nhiên, sức mạnh thật sự của bức hình không nằm ở bản thân người được chụp mà chính là biểu tượng nó đưa ra: một chiến sĩ vô danh tạm thời trong một cuộc chiến mơ hồ, bí ẩn, đáng ngờ mãi mãi trong lịch sử.

Nhân kỷ niệm 15 năm sự kiện 11-9, mời quý độc giả xem một vài bức ảnh chưa được công bố của nhiếp ảnh gia James Nachtwey về tấn thảm kịch trên của nước Mỹ. Tất cả đều được chụp trong ngày lịch sử đó và được miêu tả, chú thích bởi chính tác giả Nachtwey.


"Trong đầu tôi, tất cả mọi thứ như đang chuyển động chậm và trôi nổi. Tôi đã nghĩ rằng mình có tất cả thời gian trên thế giới để chụp ảnh. Một điều không thể tin được vừa xảy ra, và sắp trở nên tồi tệ hơn".


"Tất cả mọi người đều bị sốc. Có rất nhiều lính cứu hỏa thiệt mạng trong ngày hôm đó. Tôi nghĩ rằng bức ảnh này công nhận mất mát của họ và tôn vinh điều đó. Sự hy sinh của họ thật phi thường và sẽ mãi mãi được nhớ đến".


"Các phương tiện truyền thống để đối phó với những sự việc khẩn cấp đều trở nên quá tải. Bất chấp các thiết bị bị hư hỏng, các lính cứu hỏa vẫn tiếp tục làm việc. Đây quả là một hành động dũng cảm và cao thượng".


"Khung cảnh giống như phim trường của một bộ phim khoa học viễn tưởng về ngày tận thế. Tôi đứng ngay bên dưới tòa tháp phía Bắc khi nó sụp xuống. Tôi sống sót được gần như là nhờ vào một phép lạ. Tôi bị một đám mây khổng lồ gồm khói và bụi bao phủ hoàn toàn, ngạt thở và không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì. Tôi cứ tiếp tục di chuyển và cuối cùng nhìn thấy ánh sáng phía trước".


"Hàng ngàn người đã chết, nhưng không ai nhìn thấy họ. Sự thật khủng khiếp là tất cả những ai ở trong tòa tháp đều bị chôn vùi dưới hàng ngàn tấn thép và bê tông. Sự im lặng nặng nề bao trùm trong không gian: tất cả đều đã quá muộn. Một sự việc không thể tin được đã xảy ra, và bất kỳ nỗ lực nào cũng đều dường như vô nghĩa khi so với sự khủng khiếp của nó."


"Hình ảnh chiếc xe bị lật ngược thật kỳ lạ nhưng điều đáng chú ý hơn nằm ở ánh nhìn xa xăm của người lính cứu hỏa. Thỉnh thoảng tính chất công việc khiến họ phải đứng giữa ranh giới sống - chết. Vào ngày hôm đó, sự dũng cảm và lời cam kết của họ đã được thử nghiệm một cách khắc nghiệt, và họ phải trả một cái giá rất đắt".


"Một nhóm lính cứu hỏa đã cắm cây cờ vào giữa đống đổ nát. Nó biểu hiện sự thách thức, không đầu hàng và tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Trong suốt những năm tháng qua, tôi thực hiện công việc của mình với sự phẫn nộ về những bất công và bạo tàn, nhưng luôn ở một nước khác. Giờ đây, điều đó lại xảy ra tại ngay chính quê hương tôi, thành phố của tôi. Cảm giác phẫn nộ lúc đó thậm chí đã vượt trên cảm xúc thông thường của một cá nhân".


"Ngay cả khi mặt trời sắp lặn xuống, những người lính cứu hỏa vẫn tiếp tục công việc đào bới đống đổ nát khổng lồ. Lúc này, tôi chắc rằng họ đã nhận ra cơ hội tìm thấy người sống sót cực kỳ mong manh. Tuy vậy, nếu có thể tìm thấy dù chỉ một người, họ sẽ làm tất cả mọi sự".

Tác giả bài viết: Bảo Hạnh (Theo Time)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP