Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thắng (thứ nhất bên phải sang) thăm hỏi đời sống hội viên. |
Tuyến đường ấp Thới Hiệp 2 được bê tông hóa vững chắc, với cột cờ, đèn chiếu sáng đồng bộ. Chị Trương Thị Mai, người dân ấp Thới Hiệp 2, nói: “Khi tuyến đường được bê tông hóa, cán bộ xã, ấp họp dân vận động bà con đóng góp tiền lắp đặt cột cờ, đèn chiếu sáng. Giờ đây, những ngày lễ, Tết, cờ được treo đồng bộ dọc bên đường trông rất đẹp. Đêm về có đèn chiếu sáng bà con đi lại thuận tiện, nạn trộm cắp cũng giảm”.
Theo đồng chí Mai Thanh Sơn, Trưởng Khối vận, Chủ tịch UBMTTQVN xã Đông Thắng, thực hiện mô hình tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, Ban Thường trực UBMTTQVN xã phối hợp cùng các chi bộ, Ban Nhân dân các ấp Thới Hiệp, Thới Hiệp 1, Thới Hiệp 2, Thới Trung, Đông Mỹ vận động nhân dân làm mới 489 cột, lá cờ và lắp 489 đèn chiếu sáng, trị giá hơn 202 triệu đồng. Trong đó, Đoàn Trường Đại học Công nghệ - Kỹ thuật Cần Thơ hỗ trợ 16 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Ngoài ra, các cán bộ xã, ấp, nhân dân và Đoàn Trường đóng góp hơn 200 ngày công lao động nên đỡ tốn kém chi phí lắp đặt. Mô hình góp phần để diện mạo xã nông thôn mới thêm khởi sắc.
Đến thăm mô hình “Dân vận khéo” của Hội Nông dân xã Đông Thắng, trước mắt chúng tôi là cánh đồng mướp xanh mơn mởn chi chít trái. Anh Hà Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thắng, cho biết: “Thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, Hội đã vận động hội viên trồng cây ăn trái và trồng màu dưới chân ruộng, giúp nông dân tăng thu nhập. Qua vận động, có 9 hộ tham gia sản xuất 48.300m2”. Anh Huỳnh Tấn Vàng ở ấp Đông Mỹ kể, trước đây, vợ chồng anh buôn bán trái cây, thu nhập không cao. Nghe cán bộ Hội Nông dân vận động và được Hội giới thiệu vay vốn ngân hàng, anh quyết định mướn 2.000m2 trồng mướp, lợi nhuận trung bình hơn 50 triệu đồng/năm. Khi có kinh nghiệm, anh Tấn Vàng cùng anh Võ Nhựt Linh chuyển 13.000m2 trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mướp. Anh Nhựt Linh chia sẻ: “Trước đây, trồng lúa lợi nhuận không cao. Thấy Tấn Vàng trồng rẫy hiệu quả, tôi chuyển từ sản xuất lúa qua trồng màu với mong muốn cuộc sống khấm khá hơn. Mướp đang thu hoạch vụ đầu tiên nhưng ước cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Với 3 vụ mướp trong năm sẽ cho thu nhập hơn 200 triệu đồng”.
Khi chúng tôi đến ấp Thới Hiệp 2 cũng là lúc các chị cặm cụi đan dây nhựa. Chị Trương Thị Cúc tâm sự: “Nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã giới thiệu học nghề và liên kết với doanh nghiệp nhận hàng về gia công mà tôi có việc làm ổn định. Việc làm này không vất vả như đi giặm lúa mướn mà có thời gian lo nội trợ gia đình, mỗi tháng tôi có thêm thu nhập 1- 1,5 triệu đồng”. Theo chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm của Hội đã thu hút nhiều chị em tham gia. Năm 2018, Hội đã phối hợp tổ chức dạy nghề đan dây nhựa cho 35 chị em. Hội còn liên kết với doanh nghiệp nhận gia công đan ghế, giỏ nhựa với 30 chị em tham gia, cho thu nhập từ 25.000 - 50.000 đồng/ngày. Hội còn vận động 20 chị may gia công hàng xuất khẩu áo khoác cho thu nhập từ 60.000 - 150.000 đồng/ngày; liên kết giới thiệu 45 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Mô hình đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống bà con tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thừa ở ấp Đông Thắng, bày tỏ: “Trước đây, tôi không có việc làm nên cuộc sống khó khăn. Nhờ Hội LHPN giới thiệu vào làm công ty, có xe đưa rước mà tôi có việc làm ổn định cho thu nhập gần 7 triệu đồng mỗi tháng”.
Đồng chí Mai Thanh Sơn, Trưởng Khối vận xã Đông Thắng, cho biết: “Năm 2018, hệ thống chính trị xã đã xây dựng 8 mô hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, Khối vận tiếp tục chỉ đạo nâng chất và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao, nhằm tạo sự lan tỏa về thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Tác giả: THANH THY
Nguồn tin: Báo Cần Thơ