Tác giả bài viết: Thanh Ly
Thoạt nhìn món dưa chuối chát thấy rất mộc mạc, giản dị như chính tấm lòng người dân quê. Nhưng sự hấp dẫn của món ăn này lại chính là vị chan chát, chua chua, ngòn ngọt, ăn rất đưa cơm.
Người xứ Quảng làm món dưa chuối chát cũng không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi một sự kiên trì, khéo léo và có chút kinh nghiệm. Trước tiên, chuẩn bị sẵn một thau nước sạch, vắt vào đó ít cốt chanh. Trái chuối chát đem cắt bỏ phần đầu, nhưng tuyệt đối không cắt phần cuống chuối để trang trí cho đẹp mắt. Dùng dao bào gọt sạch vỏ áo xanh, cho vào thau ngâm nhằm giúp chuối không bị thâm đen. Sau khi ngâm, rửa chuối cho hết nhựa, cắt chuối thành những lát mỏng, nhưng không cắt rời, mà để những lát chuối vẫn còn dính lại với nhau. Cắt xong tiếp tục ngâm chuối vào thau nước chanh cho chuối thêm trắng.
Đĩa dưa chuối hấp dẫn bởi vị chan chát, chua chua, giòn ngọt, đậm đà hương quê.
Sau khi cắt hết số lượng chuối cần dùng thì cho chuối vào luộc. Nước luộc được thêm vào một ít muối cho nhân nhẩn mặn. Đợi nước sôi lớn, mỗi lượt thả chừng vài ba quả chuối, không nhiều quả một lúc. Chuối luộc vừa chín tới khoảng 2 phút thì nhanh tay vớt ra bỏ vào thau nước lạnh. Tiếp theo dùng đĩa chần lên trên quả chuối để cho chuối nhả bớt chất chát, đồng thời dùng tay khéo léo tạo dáng hình cho những lát chuối thêm đẹp mắt.
Trái chuối khi còn xanh - nguyên liệu chính của món dưa chuối chát.
Theo kinh nghiệm của người xứ Quảng, trong chế biến món ăn, còn có một công đoạn khá quan trọng là làm nước dầm chuối. Nước dầm bao gồm đường, giấm và ít muối với tỷ lệ thích hợp. Sau đó đổ nước dầm, gừng, tỏi, ớt thái lát hoặc đập dập vào hũ chuối. Khoảng hai ba ngày sau chuối ngấm gia vị, có màu trắng đục, mềm mại, thơm nồng là dùng được.
Giữa chốn quê bình yên, món dưa chuối chát gần như đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm của mỗi gia đình, nhất là trong những dịp lễ, tết, chạp mả, hay mâm cơm thết đãi của người xứ Quảng.