Giới trẻ

Dám 'nói' để vượt nỗi sợ giao tiếp tiếng Anh

Birdy nhận mình là bạn của sinh viên. Mối quan hệ này giúp họ hiểu được nhau hơn, vui vẻ hơn, khiến các bạn tự tin giao tiếp.

Tình nguyện viên người Đan Mạch Alberte Hogh (bìa phải) được các bạn Việt Nam gọi bằng cái tên Birdy. Cô hào hứng hướng dẫn các bạn trẻ Việt Nam cách giao tiếp với người nước ngoài - Ảnh: H.THANH

Cô Birdy tên thật là Alberte Hogh, tình nguyện viên người Đan Mạch. 19 tuổi, vừa đến Việt Nam, Hogh đăng ký dạy học tại lớp học tiếng Anh miễn phí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

"Tôi giúp các bạn sinh viên Việt Nam về cách thức học tiếng Anh, giúp các bạn nói tiếng Anh. Trước khi trở thành giáo viên, tôi sẽ là một người bạn của các bạn."

Alberte Hogh

Không gian vui nhộn

Phòng tự học ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn được tận dụng thành nơi dạy tiếng Anh miễn phí cho các sinh viên trong trường. Trên nền nhạc không lời du dương, đôi khi là sôi động, Alberte Hogh tiến đến hỏi han: "Are you ready?". Ở góc bàn học, nhóm sinh viên Việt Nam đồng thanh trả lời: "Yes, Birdy". Cô gái trẻ mỉm cười, ở lớp học này cô thích được gọi bằng cái tên "Birdy".

"Hầu hết sinh viên còn tỏ ra e dè khi giao tiếp với người nước ngoài, không tự tin nói chuyện. Điều đó là rào cản trong giao tiếp để học tiếng" - Birdy nhận xét. Cô và các tình nguyện viên khác nỗ lực xóa bỏ sự ngại ngần bằng những tiết học vui nhộn.

Bên cạnh Birdy còn có anh Julien (22 tuổi, người Pháp). Hai tình nguyện viên này giúp các sinh viên hiểu "sợ" khiến người học không thể khá lên được. Vượt nỗi sợ bằng cách nào? "Tham gia các hoạt động, nói không sợ sai và đôi khi thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể. Vượt qua cái ban đầu đó thì sẽ bước vào môn học tốt hơn".

Bạn Trần Ngọc Ánh (sinh viên khoa Du lịch) cho biết: "Mới đầu mình rất sợ nói vì luôn nghĩ tiếng Anh của mình rất tệ. Nhưng đến lớp này, các tình nguyện viên nước ngoài như những người bạn, họ tạo ra môi trường thân thiện, thoải mái.

Mình học được điều quan trọng chính là "cảm giác thoải mái", tích cực tương tác trong các trò chơi, hoạt động của lớp học, từ đó mạnh dạn nói chuyện nhiều hơn".

Đáp ứng đúng nhu cầu sinh viên

Chàng sinh viên năm nhất khoa quốc tế Cao Quang Duy thừa nhận mình vào trường với trình độ tiếng Anh mất gốc. "Con số 0" tròn trĩnh thôi thúc Duy theo học các chương trình tiếng Anh tại trường, nhằm nâng cao trình độ.

"Mình đặt ra tuần này phải học được 200 từ mới, tuần sau học ngữ pháp, chia thời khóa biểu cụ thể để theo đuổi việc học. Ở lớp, các tình nguyện viên có cá tính riêng, tạo hứng thú cho học viên. Không khí vui tươi của lớp học giúp chúng mình tiếp thu tiếng Anh nhanh hơn, không học theo kiểu giấy bút thông thường" - Duy chia sẻ.

Khóa học là hoạt động hợp tác giữa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững Việt Nam (CSDS) triển khai. Bước sang khóa 7, CSDS cùng Hội sinh viên trường chủ động điều phối lớp học. Đều đặn hằng tuần từ thứ hai đến thứ năm, sáng bắt đầu từ 9h30-11h, chiều 13-15h, lớp giúp đỡ các bạn vượt qua "nỗi sợ" tiếng Anh.

Sinh viên Nguyễn Thu Hảo (khoa Xã hội học, phụ trách khóa học) cho biết khóa học phân chia thành bốn lớp cơ bản và nâng cao, mỗi lớp tối đa khoảng 20 học viên.

"Ở trường quy định chuẩn đầu ra là tiếng Anh B1. Sinh viên làm tốt các phần ngữ pháp, đọc - hiểu, nhưng học speaking không tốt. Lớp học mở ra đáp ứng rất đúng nhu cầu sinh viên" - Hảo chia sẻ.

Đến nay, các khóa tiếng Anh giao tiếp miễn phí cho sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã giảng dạy cho hơn 500 học viên. Dù dạy tiếng Anh miễn phí, các học viên đóng 200.000 đồng đầu vào, và nhận lại sau mỗi khóa học với quy định không được nghỉ quá ba buổi.

"Hằng ngày lớp đều điểm danh sĩ số lớp học. Học viên đăng ký rất đông. Sau tuần học đầu tiên, một số bạn bắt đầu tự tin với khả năng nói tiếng Anh của mình" - sinh viên Nguyễn Thu Hảo cho biết.

Tác giả: HÀ THANH

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP