Trong nước

Đại tướng Tô Lâm và cuộc “cách mạng” bộ máy

Có thể nói một trong những vấn đề nan giải nhất, động chạm nhất, khó khăn nhất với những mối quan hệ lằng nhằng, chằng chịt, động đến lợi ích của nhiều người nhất, đó là công tác nhân sự.

m_cong-tac-can-bo.jpg

Có lẽ bởi thế, việc tinh giản dù đã được đề ra từ nhiều năm nay, song, chưa hiệu quả. Thậm chí không ít nơi, không ít thời điểm, bộ máy càng phình to hơn.

Tuy nhiên năm 2018, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ một số bộ, ngành và một số địa phương.

Người dân không khó để nhận thấy một không khí tinh giản khá sôi động ở các bộ như Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội… với hàng loạt các đầu mối, các vụ, cục được tinh giản, sáp nhập.

Tại một số địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái… đã và đang tiến hành tinh giản bộ máy bằng cách sáp nhập một số cơ quan, tổ chức xã hội tương đồng vào một mối.

Song, đỉnh điểm của cuộc “cách mạng nhân sự” này phải kể đến Bộ Công an với sự quyết liệt và cả sách lược đúng đắn của Bộ trưởng, Đại tướng Tô Lâm.

Giảm 6 tổng cục, 60 đơn vị cấp cục, hơn 800 đơn vị cấp phòng, hàng ngàn đơn vị cấp đội. Qua đó, giảm 35 lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và cấp tương đương, 14 giám đốc Phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh - thành phố, 461 trưởng phòng và tương đương, 500 đội trưởng …

Chỉ nhìn vào những con số, đã đủ thấy mức độ khó khăn và sự quyết liệt đến mức nào của lãnh đạo Bộ này.

Khó khăn bởi nói gì thì nói, một khi động chạm đến quyền lợi cá nhân, bảo không “tâm tư” e rằng không thật lòng. Tâm tư lắm chứ, nghĩ ngợi lắm chứ. Ví dụ như đang từ Tổng Cục trưởng, bỗng dưng xuống Cục trưởng chẳng hạn, ai chả nghĩ ngợi?

Thậm chí, cái chức đội trưởng bé bé thôi, bỗng xuống đội phó và tất yếu có ông đội phó phải xuống làm chiến sĩ, ai chẳng nỗi niềm…?

Rồi còn một loạt các chế độ, chính sách nằm trong cái quân hàm, cái cấp bậc…

Động chạm là thế, lãnh đạo không quyết liệt, không có sách lược đúng đắn, không khách quan và không có lý, có tình, có sự thương yêu, cảm thông, chia sẻ… chắc chắn sẽ không thể làm được.

Song, nếu như không nhắc đến tinh thần trách nhiệm của những cán bộ trong diện “thiệt thòi” quyền lợi sẽ là không công bằng. Họ, với phẩm chất người lính, không một lời kêu ca.

Trả lời câu hỏi “Bộ trưởng đánh giá thế nào về những cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi hay đang ở vị trí cao lại xuống giữ chức vụ thấp hơn?” của báo Vietnam Net, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết họ rất vui vẻ.

“Tôi cho rằng đấy là một sự hy sinh. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp, hành xử, quyết định ấy của các đồng chí. Chúng tôi cũng đề xuất với TƯ duy trì chính sách, chế độ của các đồng chí. Người ta hy sinh như vậy rất cần được tôn trọng và Đảng, Nhà nước cần có chính sách hài hòa, góp phần làm ổn định tư tưởng”. Tướng Tô Lâm nói.

Một thông tin đáng phấn khởi nữa, đó là mặc dù tinh giảm nhiều như vậy, tiết kiệm 1.000 tỉ đồng (đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn) nhưng cho đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của dư luận, công việc không những không bị trì trệ mà ngược lại, tỏ ra hiệu quả hơn.

Điều đó càng chứng tỏ, công cuộc tinh giản không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn tạo sự thông thoáng và tiện lợi cho công việc.

Tuy nhiên, trái ngược với tinh thần quyết liệt của các bộ và các địa phương nói trên, nhiều địa phương và bộ ngành vẫn “án binh bất động”. Câu hỏi xin được gửi về cho trách nhiệm người đứng đầu…

Chúng ta đã đi qua năm 2018 với những thành công bứt phá về kinh tế cùng hiệu quả to lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng đồng thời cũng là năm mở đầu cho cuộc “cách mạng” trong cải cách hành chính.

Hi vọng rằng năm nay, chúng ta sẽ đạt được nhiiều thành tựu hơn trong các lĩnh vực này và cũng mong rằng năm 2019, theo gương Bộ Công an, tất cả các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh hơn nữa công cuộc “cách mạng” bộ máy.

Xin đừng để mỗi lần nghĩ về bộ máy nhân sự, người dân lại thảng thốt kêu lên: “Quan đông thế này, dân nào nuôi nổi!”.

Tác giả: Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP