Trong nước

Đại tá Việt Nam: Bình luận về tên lửa chống tăng có điều khiển

Tên lửa chống tăng thế hệ 3 có thể tấn công từ nóc xe là nơi hiểm yếu nhất của xe tăng và có thể tiêu diệt cả các loại máy bay trực thăng bay thấp.

Với một đầu nổ lõm cỡ lớn có sức xuyên lên đến hàng nghìn milimét thép và một bộ điều khiển thông minh"- Tên lửa chống tăng có điều khiển đã trở thành đối thủ xứng tầm của xe tăng hiện đại. Và cuộc cạnh tranh của chúng vẫn tiếp diễn không ngừng.

Từ khi xe tăng ra đời và trở thành loại phương tiện chiến đấu có sức mạnh đáng sợ người ta cũng đã dày công nghiên cứu để tìm ra những loại vũ khí nhằm khắc chế tiến tới phá hủy và tiêu diệt chúng.

Rất nhiều loại vũ khí đã ra đời nhằm mục đích đó như các loại mìn chống tăng, pháo chống tăng dùng đạn động năng, súng chống tăng cá nhân và DKZ dùng nguyên lý đạn lõm v.v...

Trong những tình huống, trường hợp cụ thể nhất định những loại vũ khí trên có thể sát thương được xe tăng song về tổng thể thì hiệu quả còn hết sức hạn chế.

Chỉ từ khi nguyên lý đạn lõm được hoàn thiện kết hợp với thiết bị điều khiển công nghệ cao trên một sản phẩm là Tên lửa chống tăng có điều khiển thì xe tăng mới thật sự có đối thủ xứng tầm. Và cuộc chạy đua giữa chúng vẫn tiếp tục chưa biết bao giờ mới đến hồi kết.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Việt Nam được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển. Ảnh: QĐND.

Từ ba điểm thẳng hàng đến "phóng và quên"

Tên lửa chống tăng có điều khiển (TLCT) còn được gọi ngắn gọn là tên lửa chống tăng hay vũ khí điều khiển chống tăng... song tựu trung lại, chúng đều là một tên lửa dẫn đường được thiết kế với mục tiêu chủ yếu là bắn trúng và phá huỷ các xe tăng và các xe thiết giáp hạng nặng của đối phương.

Tên lửa chống tăng có điều khiển có thể có nhiều kích cỡ khác nhau, từ loại nhỏ cá nhân vác vai với chỉ duy nhất một người lính điều khiển, tới những loại lớn hơn được trang bị trên xe thiết giáp đòi hỏi một đội hay một toán binh sĩ vận chuyển và khai hoả, tới các hệ thống tên lửa được lắp trên xe đặc chủng hay máy bay.

Tuy nhiên, dù kích cỡ, kiểu dáng nào thì trái tim của chúng vẫn là thiết bị điều khiển. Và căn cứ vào nguyên lý, cách thức điều khiển mà người ta chia TLCT thành 3 thế hệ:

TLCT thế hệ 1 ra đời trong những năm 60 của thế kỷ XX và xuất hiện trên chiến trường vào đầu những năm 70. Đó là 9M14 Malyutka của Liên Xô (NATO gọi là AT-3 Sagger, còn bộ đội ta gọi là B72).

Loại TLCT này có mặt trên chiến trường miền Nam vào Xuân Hè 1972. Đặc điểm nổi bật của 2 TLCT này là truyền dẫn tín hiệu điều khiển bằng dây và điều khiển theo nguyên lý "Ba điểm thẳng hàng".

Để thực hiện việc điều khiển tên lửa, trắc thủ quay một "tay điều khiển nhỏ". Tùy theo hướng quay mà tín hiệu sẽ được truyền đến các cánh lái của tên lửa làm cho nó bay lên, bay xuống, sang phải, sang trái. Còn tùy theo góc độ quay mà tốc độ lên xuống, sang phải sang trái nhanh hay chậm hơn.

Còn để bắn trúng vào mục tiêu thì người trắc thủ phải luôn luôn giữ cho 3 điểm: chữ thập của kính, mục tiêu và quả đạn cùng nằm trên một đường thẳng. Đây là một kỹ năng rất khó thực hiện. Theo kinh nghiệm của Liên Xô thì cứ khoảng 1.500 quân nhân mới tuyển được 01 người đủ tiêu chuẩn làm trắc thủ.

Còn khi huấn luyện trắc thủ thì phải tập lái đạn trên xe "bộ luyện" khoảng 3.000 lần mới đạt độ thuần thục cần thiết. Khi đã ra trường về đơn vị chiến đấu thì cũng phải duy trì luyện tập 50- 60 lần phóng/tuần mới đảm bảo phong độ.

Do thao tác khó như vậy nên xác suất trúng mục tiêu của TLCT thế hệ 1 phụ thuộc rất nhiều vào trình độ trắc thủ. Tuy nhiên, ở điều kiện bình thường nó dao động trong khoảng từ 60- 90 % khi bắn vào mục tiêu cố định, khi mục tiêu di động xác suất giảm đi chút ít.

Trong thực tế chiến đấu, con số này có thể thấp hơn do trắc thủ bị hỏa lực đối phương kiềm chế nên rất khó yên tâm mà thao tác. Chẳng hạn, khi mới xuất hiện, TLCT B72 đã đạt hiệu quả khá cao trên chiến trường Quảng Trị và Tân Cảnh năm 1972 song càng về sau càng thấp.

Cũng vì điều khiển khó như vậy nên người ta đã rất tích cực nghiên cứu cải tiến nó và không lâu sau các TLCT thế hệ 2 ra đời.

TLCT thế hệ 2 được điều khiển theo nguyên lý: "Hai điểm thẳng hàng" với tín hiệu điều khiển bằng laser hoặc hồng ngoại, có thể truyền qua dây dẫn hoặc vô tuyến. Lúc này, nhiệm vụ của trắc thủ đơn giản hơn nhiều so với TLCT thế hệ 1.

Nghĩa là người trắc thủ chỉ cần duy trì "chữ thập" của kính ngắm - cũng có nghĩa là luồng laser hay hồng ngoại bám sát mục tiêu mà không phải quan tâm đến vị trí tức thời của quả đạn nữa. Các bức xạ chiếu xạ mục tiêu này cũng có thể phát ra từ một nguồn khác rồi phản hồi về quả đạn.

Căn cứ vào tín hiệu lệch so với đường ngắm hoặc luồng ánh sáng phản xạ về mà các cơ cấu thực hiện tự động điều khiển cho quả đạn bay đến mục tiêu.

So với TLCT thế hệ 1, việc điều khiển TLCT thế hệ 2 dễ dàng hơn nhiều nên xác suất trúng bình quân cũng tăng lên đáng kể, kể cả khi bắn vào mục tiêu di động.

Tuy nhiên, chỉ số này cũng bị ảnh hưởng nhiều khi điều kiện làm việc của trắc thủ không thật thuận lợi như điều kiện quan sát kém hoặc bị đe dọa bởi hỏa lực đối phương... Ngoài ra, do phải dẫn bằng laser hoặc ánh sáng khác nên cũng dễ bị đối phương ngăn cản hoặc đánh lừa nên hiệu quả diệt mục tiêu cũng bị giảm đi.

Các tên lửa chống tăng thế hệ 2 tiêu biểu là 9K111 Fagot của Liên Xô (Nga hiện nay), BGM71 TOW của Mỹ, MILAN của Tây Âu,...

Để khắc phục những bất lợi như kể trên người ta đã tiến thêm một bước nữa trong việc chế tạo TLCT. Đó là TLCT thế hệ 3 mà nguyên lý của nó là "Phóng và Quên". Nghĩa là, sau khi trắc thủ phát hiện và "khóa" được mục tiêu anh ta ấn nút "Phóng" là coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Quả đạn sẽ tự tìm đến mục tiêu mà không cần bất cứ sự tác động nào của con người nữa. Để thực hiện được nguyên lý này đòi hỏi đầu đạn phải có bộ phận tự dẫn. Phổ biến nhất hiện nay là đầu tự dẫn bằng hồng ngoại hoặc vô tuyến truyền hình.

Với đầu tự dẫn hồng ngoại thì nguồn hồng ngoại do động cơ xe tăng phát ra sẽ là đích mà nó tìm đến. Còn đối với các đầu tự dẫn bằng vô tuyến truyền hình thì chính hình ảnh mục tiêu đối phương vào thời điểm nó bị trắc thủ "khóa" sẽ là cái đích để quả đạn bay tới.

Các loại TLCT thế hệ này có thể tấn công từ nóc xe là nơi hiểm yếu nhất của xe tăng. Ngoài ra, do tầm bắn được tăng lên nên chúng có thể tiêu diệt cả các loại máy bay trực thăng bay thấp.

Một số TLCT thế hệ 3 tiêu biểu hiện nay là 9K115-2 Metis M của Nga, FGM-148 Javelin của Mỹ, Spike của Israel...


Tên lửa chống tăng Spike của Israel.

Với ưu điểm "phóng và quên" các loại TLCT thế hệ 3 cũng được sử dụng để phóng qua nòng pháo tăng. Một số loại điển hình như: 9M119 Svir (AT-11 Sniper) trên xe tăng T-90 của Nga, LAHAT trang bị trên xe tăng Merkava của Israen...

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm "Phóng và Quên" thì TLCT thế hệ 3 cũng còn tồn tại một số nhược điểm mà đối phương có thể lợi dụng để vô hiệu hóa chúng như sử dụng các thiết bị đánh lừa, các thiết bị tạo khói mù để che khuất "tầm nhìn" của đầu tự dẫn v.v...

Vì vậy, xu hướng cơ bản hiện nay được nhiều nước quan tâm là nghiên cứu các TLCT thế hệ 3 nhưng vẫn cho phép trắc thủ tham gia điều khiển khi cần thiết. Hướng nghiên cứu này cho phép TLCT khắc phục được tương đối hiệu quả các nhược điểm của nó.

Ngoài cách phân loại này, vì dí do thương mại nên nhiều nước đã tuyên bố chế tạo thành công TLCT thế hệ 4 như Spike của Israen hay thế hệ 5 như Missile Moyene Portee (MMP) chế tạo bởi MBDA của Pháp. Song thực ra, về bản chất chúng chỉ là TLCT thế hệ 3 mà thôi.

Từ 1 tầng đến 2 tầng, từ 400 mm đến 1.200 mm thép

Không chỉ đầu tư nghiên cứu phát triển hệ thống điều khiển, quân đội các nước còn đầu tư nghiên cứu cải tiến bộ phận chiến đấu của TLCT - tức là phần đầu đạn nhằm nâng cao hiệu quả diệt mục tiêu trước sự đối phó của xe tăng đối phương.

Nhìn chung các TLCT đều sử dụng đầu đạn theo nguyên lý nổ lõm, thuốc nổ là thuốc nổ mạnh hexogien, dùng ngòi nổ áp - điện, trong đó bộ phận sinh điện là những phần tử thạch anh gắn ở đầu tên lửa, khi quả đạn chạm mục tiêu, các phần tử thạch anh bị dồn nén, ma sát và sinh điện, điện truyền tới ngòi nổ và gây nổ quả đạn.

Với nguyên lý nổ lõm, nhiệt độ sinh ra rất cao (khoảng 1200 độ C) và áp xuất khoảng hơn 3000 atmotphe trong một thời gian cực ngắn (khoảng 1/4 s). Luồng nhiệt do quả đạn sinh ra sẽ phá vỡ mục tiêu theo một hướng nhất định, xuyên thủng và đốt cháy mục tiêu.

Sức xuyên của quả đạn phụ thuộc vào cỡ đạn, chất lượng và khối lượng thuốc nổ, hình dạng khối nổ lõm và chất liệu của nón kim loại trong khối nổ lõm...

Ngoài ra, nó không phụ thuộc vào cư ly bắn của tên lửa mà phụ thuộc vào góc chạm của quả đạn với mục tiêu, trong đó góc chạm 90 độ là tối ưu.

Với những nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm công phu, ngay từ thế hệ đầu tiên, các TLCT thế hệ 1 đã đạt được sức xuyên khoảng 400 mm thép đồng nhất ở góc chạm 90 độ, có nghĩa nó đủ sức xuyên thủng giáp của mọi loại xe tăng chủ lực lúc đó.


Xe tăng T-90 của Nga ở Syria.

Tuy nhiên, về phía ngược lại các nhà sản xuất xe tăng cũng không dừng lại.

Họ đã liên tục nghiên cứu nâng cao sức phòng hộ của xe tăng bằng cách chế tạo giáp phức hợp chất lượng cao, lắp giáp phản ứng nổ v.v... và do vậy đã làm tăng chiều dày vỏ giáp ở những vị trí quan trọng lên tương đương hàng nghìn milimét thép (quy đổi).

Điều đó bắt buộc các nhà sản xuất TLCT cũng phải tìm mọi cách để tăng sức xuyên cho đầu đạn của mình.

Ngoài việc tăng cỡ đạn, tăng khối lượng thuốc nổ- tất nhiên chỉ đến một giới hạn nhất định thì một trong những giải pháp mà các nhà sản xuất TLCT đem áp dụng là chế tạo đầu nổ 2 tầng.

Trong đó tầng thứ nhất có tác dụng phá hủy lớp giáp phản ứng nổ hoặc lớp giáp ngoài, còn đầu nổ thứ hai mới thực hiện nhiệm vụ xuyên giáp. Nhờ vậy, khả năng xuyên của TLCT đã tăng lên đáng kể.

Điển hình như TLCT với đầu đạn 2 tầng Kornet của Nga có khả năng xuyên giáp tới 1.200 mm thép đồng chất (quy đổi). Giới chuyên gia đánh giá chúng là sát thủ diệt tăng mạnh nhất thế giới hiện nay. Chúng thừa sức đánh bại những xe tăng mang lớp giáp tốt nhất.

Việc đưa vào sử dụng những TLCT nhỏ gọn, vác vai với những đầu đạn lớn hơn khiến bộ binh cũng có khả năng tiêu diệt thậm chí cả những xe tăng chiến trường hạng nặng ở những khoảng cách lớn, thường ngay ở phát bắn đầu tiên đã hạn chế phần nào sức mạnh đột phá của lực lượng xe tăng, nhiều khi làm nhanh chóng thay đổi cục diện chiến trường.

Đó là một ưu thế không thể chối cãi của TLCT có điều khiển và đó cũng là lý do nó liên tục được nghiên cứu phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn.

Tác giả bài viết: Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP