Thế giới

Đài Loan phát 'tín hiệu nguy hiểm' với Trung Quốc

Bà Thái Anh Văn vừa khẳng định mình là Tổng thống Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc), được đại lục cho là "tín hiệu nguy hiểm".

Truyền thông Trung Quốc mới đây công bố về việc bà Thái Anh Văn khẳng định mình là Tổng thống Đài Loan làm gia tăng căng thẳng giữa eo biển Đài Loan.

Theo đó, hôm 26/6, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tham dự lễ khánh thành kênh đào ở Panama rồi viết vào sổ lưu niệm, bên dưới ký tên, ghi rõ chức danh “Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan”. Và một điều chú ý nữa là sau từ “Đài Loan”, bà Thái Anh Văn còn mở ngoặc ghi thêm chữ “ROC” (Trung Hoa Dân quốc).

Bức ảnh chụp dòng chữ của bà Thái Anh Văn sau đó được Ủy viên Viện Lập pháp thuộc đảng Dân tiến cầm quyền Lâm Tuấn Hiến đưa lên facebook, lập tức làm nóng dư luận và việc làm của bà Thái Anh Văn đã bị nhiều thành viên Viện Lập pháp thuộc Quốc dân Đảng đối lập chỉ trích.

Bà Thái Văn Anh và nhà lãnh đạo Paraguay Horacio Cartes hôm 29/6. Ảnh: Facebook Thái Văn Anh


Ngay sáng hôm sau, website của tờ Thời báo Hoàn cầu đã đăng bài phỏng vấn ông Vu Vĩnh Bình, Viện phó Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, chỉ rõ động thái nêu trên của bà Thái Anh Văn đã thay đổi lập trường nhất quán từ trước tới nay của chính quyền Đài Loan.

“Điều này rất không tốt, hơn nữa, còn là một tín hiệu rất nguy hiểm”, ông Vu Vĩnh Bình nhấn mạnh.

Tín hiệu xích mích giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được phát đi trước đó 1 ngày (25/6) khi người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc cho hay cơ chế liên lạc giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan đang bị treo do chính quyền hiện nay của Đài Loan (lên nắm quyền từ ngày 20/5/2016) chưa công nhận Nhận thức chung 1992.


Sau đó, Đài Loan cũng phát đi tín hiệu hạ nhiệt hơn.

"Dù đảng nào lãnh đạo Đài Loan, chúng tôi luôn có một mục tiêu chung duy nhất là duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan", Reuters dẫn lời lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc đại lục. Dù có lẽ tại thời điểm này, các kênh đàm phán chính thức tạm thời bị gián đoạn, vẫn còn những phương án khác để giao tiếp và đối thoại", bà tin tưởng.

Nhận thức chung 1992 là dàn xếp chính trị hai bờ Eo biển Đài Loan đạt được năm 1992, theo đó cả hai bên công nhận sự tồn tại của một đất nước Trung Quốc bao gồm Đài Loan và Trung Quốc Đại lục. Hiểu biết này củng cố đối thoại giữa hai bên, cho phép hai bờ Eo biển Đài Loan xây dựng quan hệ và vượt qua phần nào tình trạng thù hằn bắt nguồn từ sự chia rẽ trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Bà Thái Anh Văn, người lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan hồi tháng trước, chưa bao giờ chính thức công nhận hay bác bỏ nhận thức chung này. Chính phủ Trung Quốc nghi ngờ bà sẽ thúc đẩy việc giành độc lập.

Song, sau khi ký tên gây nóng tình hình, bán đảo này gia tăng khả năng phòng thủ bằng việc xây dựng kế hoạch thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất lần đầu tiên ở Mỹ vào đầu tháng 7.

Nguồn tin từ cơ quan phòng thủ Đài Loan tiết lộ rằng vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ PAC-3 do Mỹ chế tạo sẽ được tiến hành tại khu thử nghiệm tên lửa White Sands Missile Range, bang New Mexico.

Tên lửa PAC-3 rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Lockheed Martin


Theo nguồn tin này, vụ thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Mỹ để tránh việc Trung Quốc thu thập thông tin, và do các hạn chế về không gian ở Đài Loan.

Theo tờ “Liberty Times” của Đài Loan, hệ thống tên lửa phòng thủ mới PAC-3 được thiết kế để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo khi gần kết thúc đường đạn, một phần trong hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan trị giá 6,5 tỷ USD năm 2008, rất lâu trước khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền và cuộc thử nghiệm được Mỹ thông qua năm 2015. Thương vụ này từng khiến Bắc Kinh phản ứng quyết liệt.

Tờ báo cũng cho biết đơn vị tên lửa của Đài Loan tham gia cuộc thử nghiệm sẽ bắn hai quả tên lửa để chặn một tên lửa được quân đội Mỹ bắn đi, giả định làm tên lửa đạn đạo bắn từ Trung Quốc.

Tác giả bài viết: Kim Hoa (Tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP