Giáo dục

Đại học phía Nam tung hàng loạt phương thức tuyển sinh mới

Ngoài các thành viên Đại học Quốc gia TP HCM, năm nay 8 đại học khác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển.

Đại học Quốc tế Hồng Bàng áp dụng 3 phương thức mới: thi tuyển sinh đầu vào do trường tổ chức (30% chỉ tiêu); xét tuyển với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài (5%) và xét kết quả kỳ thi SAT (5%). Việc áp dụng thi tuyển sinh đầu vào được coi là động thái nâng cao chất lượng của trường.

Hai phương thức tuyển sinh truyền thống còn lại là: xét học bạ THPT (10% tổng chỉ tiêu) và xét kết quả kỳ thi THPT tốt quốc gia (50%).

Trường dự kiến tuyển 40 ngành, trong có thêm một số ngành học mới đang có nhu cầu nhân sự cao trong xã hội như Hộ sinh, Y khoa, Luật, An toàn thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Thí sinh TP HCM

Thí sinh TP HCM dự thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tương tự, Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) dự kiến tuyển 40 ngành đại học chính quy với hơn 5.800 chỉ tiêu. Trường sử dụng hai phương thức độc lập, mỗi phương thức chiếm 50% chỉ tiêu với 14 tổ hợp môn xét tuyển.

Thứ nhất, trường dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, thực hiện xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục.

Thứ hai, trường căn cứ học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn, điều kiện xét tuyển gồm: tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương); tổng điểm trung bình năm lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 trở lên.

Điểm xét trúng tuyển bằng điểm trung bình ba môn ở năm lớp 12 cộng với điểm ưu tiên (nếu có). Riêng ngành Dược học, điều kiện xét tuyển áp dụng theo quy định của Bộ Giáo dục dành cho khối ngành sức khỏe.

Ở các ngành có tổ hợp xét tuyển bao gồm môn năng khiếu Vẽ, thí sinh có thể tham gia kỳ thi do đại học này tổ chức hoặc nộp kết quả thi từ trường khác để xét tuyển.

Trong khi đó, Đại học Nha Trang lần đầu tiên dùng điểm xét tốt nghiệp năm 2019 (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 + điểm ưu tiên, khuyến khích) để xét tuyển.

Với cách làm mới này, sẽ không còn xét theo tổ hợp 3 môn xét tuyển mà chỉ có một cột điểm (điểm xét tốt nghiệp) nhưng phản ánh ở kiến thức và năng lực bao quát của học sinh THPT.

Đây cũng là năm đầu tiên trường dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM làm phương thức tuyển sinh.

Ngoài hai phương thức mới trên, trường vẫn sử dụng phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và xét tuyển từ kết quả thi THPT.

Năm nay, Đại học Nha Trang tuyển sinh toàn quốc với 4.500 chỉ tiêu, trong đó bậc đại học chiếm 3.500. Bậc cao đẳng xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT.

Giống như Đại học Nha Trang, 7 đại học khác ở phía Nam sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM làm phương thức xét tuyển gồm: An Giang, Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Nguyễn Tất Thành, Lạc Hồng, Kinh tế - Tài chính TP HCM, Công nghệ thực phẩm TP HCM, Thủ Dầu Một và trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài 2 phương thức đã áp dụng từ 2018 (xét tuyển theo học bạ THPT và xét điểm thi THPT quốc gia) còn thêm 2 phương thức mới, gồm xét tuyển với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; tổ chức thi tuyển riêng cho một số ngành như Tiếng Anh, Công nghệ thông tin...

Trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu (50%) tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT và 35% xét tuyển theo kết quả học bạ THPT.

Năm nay, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu tuyển 2.000 chỉ tiêu chính quy với 13 ngành thuộc các khối ngành Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế - quản lý và Khoa học xã hội nhân văn.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP