Trong tuần này, Vingroup liên kết doanh nghiệp Việt để cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan thông qua các kênh phân phối Metro, Big C, Nguyễn Kim,... rất được dư luận chú ý. Người Việt kỳ vọng nhờ chương trình của Vingroup, hàng Việt sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn ngay trên thị trường nội địa.
Thông tin này góp phần không nhỏ vào đà tăng giá của cổ phiếu VIC của Vingroup. Sau 5 phiên giao dịch, VIC tăng 2.500 đồng/CP lên 54.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường của Tập đoàn Vingroup tăng 4.850 tỷ đồng lên 104.752 tỷ đồng. VIC là một trong những cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú giàu nhất sàn chưng khoán Việt Nam
Nhờ VIC, tuần này, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, người sở hữu danh hiệu tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua tăng lên đáng kể. Khi vốn hóa VIC có thêm 4.850 tỷ đồng thì tài sản của ông Vượng có thêm 1.331 tỷ đồng.
Tổng giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ vọt lên 28.751 tỷ đồng. Điều đó khiến cho khoảng cách giữa ông Vượng và ông Trần Đình Long, người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán được nới rộng hơn dù HPG duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trong tuần, HPG tăng 1.800 đồng/CP lên 35.600 đồng/CP. HPG giúp ông Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có thêm 332 tỷ đồng. Với việc sở hữu 6.562 tỷ đồng, ông Long không có khả năng cạnh tranh vị trí số 1 với ông Vượng.
Bên cạnh VIC, HPG, một số cổ phiếu đại gia khác trên sàn chứng khoán cũng lấy lại được đà tăng trưởng tốt. MWG tăng 2.500 đồng/CP lên 88.000 đồng/CP. VHC tăng 3.200 đồng/CP lên 37.400 đồng/CP. STB tăng 200 đồng/CP.
MWG mang về cho ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động có thêm 9,2 tỷ đồng. Hiện ông Tài đang có 2.024 tỷ đồng. Nhờ đó ông Tài khá vững vàng ở vi trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong tuần, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn khiến cổ đông hưng phấn công ty công bố lợi nhuận từ quý 2/2016 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh bởi sản lượng sẽ tăng lên khi các xưởng chế biến mới tại Văn Đức Tiền Giang bắt đầu hoạt động, nâng tổng công suất tăng thêm 25%.
Thông tin này khiến cổ phiếu VHC tăng trần trong ngày 1/6. Nhờ đó, VHC bứt phá mạnh. VHC giúp vốn hóa thị trường Vĩnh Hoàn có thêm 296 tỷ đồng. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty được VHC “tặng” 146 tỷ đồng.
Với tổng tài sản lên tới 1.705, bà Khanh đứng ở vị trí cuối cùng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Đứng ngay sau bà Khanh là ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Bên cạnh nhiều cổ phiếu đại gia tăng ấn tượng, vẫn có một số cổ phiếu đại gia kém may mắn phải đi lùi. Tính chung cả 5 phiên đi xuống, cổ phiếu PDR giảm 500 đồng/CP. SSI giảm 300 đồng/CP xuống 21.300 đồng/CP. KDC giảm 1.000 đồng/CP xuống 26.000 đồng/CP. FPT giảm 400 đồng/CP xuống 40.700 đồng/CP.
PDR khiến tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt hao hụt gần 62 tỷ đồng. Hiện ông Đạt đang có 1.802 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, KDC “thổi bay” 26 tỷ đồng khỏi tài khoản của ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, FPT khiến ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâp đoàn FPT mất 16,5 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Thanh Hà