Tin địa phương

Đà Nẵng sẽ “đánh” mạnh vào kinh tế của người đi ô tô, xe máy cá nhân

Nhằm kiểm soát việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, UBND TP Đà Nẵng đề xuất với HĐND TP các giải pháp tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện cá nhân (thuế, phí) theo hướng tăng cao!

Ngày 29/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa có Tờ trình số 4670/TTr-UBND đề nghị HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tại kỳ họp thứ 4 (dự kiến diễn ra từ ngày 5 – 7/7) xem xét thông qua Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm TP Đà Nẵng”.

Đà Nẵng đề xuất tăng mức phí đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích sản xuất kinh doanh, trông giữ xe (Ảnh: HC)

Trong đó, Đề án đề ra các giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch giao thông vận tải; các giải pháp liên quan đến đầu tư xây dựng để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông TP; các giải pháp nhằm hoàn thiện và mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng; các giải pháp điều tiết phương tiện vận tải vào trung tâm TP; các giải pháp về quản lý giao thông, tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ viễn thông, công nghệ điều khiển tự động...

Đối với các giải pháp nhằm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, UBND TP Đà Nẵng đề nghị cần nhanh chóng xây dựng và phê duyệt Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe ô tô ở một số tuyến đường trên địa bàn TP. Trước mắt, thí điểm tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Hải Châu; tổ chức đánh giá tổng kết làm cơ sở triển khai Đề án trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng.

Cùng với đó là điều chỉnh các quy định về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn TP, được ban hành tại Nghị quyết 54/2016/NQ-HDND ngày 08/12/2016 của HĐND TP Đà Nẵng, theo hướng tăng cao nhằm hạn chế tình trạng đậu đỗ xe cơ giới cá nhân (gồm xe máy và ô tô) cũng như sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán gây ùn tắc giao thông.

Theo đó, điều chỉnh phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không theo cấp đường mà theo khu vực (trung tâm TP, khu vực có tình trạng ùn tắc giao thông); tách riêng mục đích sử dụng để sản xuất, kinh doanh, trông giữ xe với mục đích tập kết hàng hóa, vật liệu thi công công trình. Đồng thời tăng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích sản xuất kinh doanh, trông giữ xe tại các trục đường có mật độ xe đi lại đông đúc, nằm ở trung tâm TP.

Cùng với đó là quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe thay đổi theo khung giờ (các khung giờ thấp điểm có mức phí thấp và sẽ tăng lên khi đậu xe vào giờ cao điểm); thay đổi theo thời gian đỗ (có thể xem xét miễn phí trong vòng 30 phút đầu, sau tăng dần lên theo từng block và 1h hoặc 2h, hiện chỉ có quy định gửi trong ngày và gửi qua đêm); thay đổi theo khu vực (các khu vực trung tâm có mức phí cao hơn so với các khu vực khác; phí đậu đỗ ngoài đường và vỉa hè cao hơn nhiều lần so với đậu đỗ trong bãi giữ xe công công, tập trung).

Nâng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống. Đồng thời nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và các địa phương khác trong việc áp dụng các loại phí, lệ phí như lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phí môi trường, phí phương tiện hoạt động vào giờ cao điểm... để đề xuất áp dụng cho phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn địa phương.

Theo đề xuất tại Tờ trình 4670/TTr-UBND, lộ trình thực hiện Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm TP Đà Nẵng” gồm 3 giai đoạn: Từ nay đến 2020; 2020 – 2025 và sau 2025.

Trong đó, thời điểm triển khai áp dụng các giải pháp tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện cá nhân (thuế, phí) nhằm kiểm soát việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông cũng như mức thu thuế, phí cụ thể phải phù hợp với tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP