Xã hội

Đà Nẵng phạt Mường Thanh 40 triệu chưa đúng luật?

TP.Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - khách sạn Mường Thanh Sông Hàn (Đà Nẵng) số tiền 40 triệu đồng vì tự ý chuyển đổi công năng các hạng mục khối nhà chung cư từ tầng 2 đến tầng 5. Tuy nhiên theo phân tích của luật gia Lê Hồng Sơn, việc xử phạt như trên chưa đúng với các quy định của luật pháp.

Đúng luật phải tháo dỡ

Như Dân Việt đã đưa tin, Công trình khách sạn Mường Thanh được Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cấp phép với quy mô 42 tầng nổi và 02 tầng hầm. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư xây dựng sai nội dung được cấp (thay đổi công năng từ tầng 2 đến tầng 5 Khối Chung cư, hiện trạng đã xây dựng các căn hộ).

Theo luật gia Lê Hồng Sơn-G.Đ điều hành công ty Luật Hợp danh FDVN, trường hợp này chủ đầu tư đã xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014.

Với vi phạm này, việc UBND thành phố, Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện lại giấy phép để được tiếp tục xây dựng, Llật gia Lê Hồng Sơn cho rằng: Thứ nhất, theo điểm d khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 quy định việc xây dựng sai so với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng là một trong những căn cứ để tháo dỡ công trình (quy định này cũng đã tồn tại ở Điều 86 Luật Xây dựng 2003).

Bên cạnh đó, chiếu theo Điều 13 Nghị định 180/2007/NĐ-CP, công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp thì lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Đà Nẵng và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà sai phạm theo luật phải phá dỡ (ảnh Đình Thiên)

Vị giám đốc công ty luật phân tích thêm, trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng. Đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng.

Nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

“Như vậy, với những căn cứ nêu trên, trường hợp này, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng, nếu không sẽ bị cưỡng chế theo luật định” - Luật gia Lê Hồng Sơn khẳng định.

Đà Nẵng vận dụng sai luật

Với việc chính quyền Đà Nẵng không yêu cầu tháo dỡ mà chỉ phạt hành chính 40 triệu đồng, đình chỉ thi công và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện lại giấy phép, luật gia Lê Hồng Sơn cho rằng: “Có thể Đà Nẵng vận dụng quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP để cho phép chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh giấy phép xây dựng”.

“Như vậy, với những căn cứ nêu trên, trường hợp này, chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng, nếu không tự phá dỡ sẽ bị cưỡng chế phá dỡ”, Luật gia Lê Hồng Sơn khẳng định.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP: Hành vi xây dựng sai giấy phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo Điều 8 thông tư số 02/2014/TT-BXD Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định rõ: khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, vị Giám đốc công ty luật phân tích.

`“Như vậy, trường hợp này, hành vi vi phạm đang tiếp diễn, công trình xây dựng chưa hoàn thành và chưa đưa vào sử dụng. Do đó, không thể vận dụng các quy định trên để cho phép nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh Giấy phép xây dựng. Tiếp tục duy trì công trình xây dựng sai với giấy phép đã cấp” - Luật gia Lê Hồng Sơn khẳng định.

Tác giả: Đình Thiên-Nam Cường

Nguồn tin: Báo Dân Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP