9 giờ sáng, hàng ghế trước cửa phòng khám khoa Ngoại (Bệnh viện đa khoa (BV) huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã kín người ngồi chờ. Phía bên trong, bác sĩ (BS) Phan Tô Sỹ Nhật tất bật làm việc. Vị BS trẻ tuổi vừa khám vừa liên tục hỏi bệnh nhân, tay ghi chép các thông tin vào sổ khám bệnh.
Mời bác sĩ về hưu vào làm việc
BS Nhật cho biết tình trạng thiếu BS tại các phòng, khoa đã diễn ra nhiều năm nay tại BV đa khoa huyện Hòa Vang. Chẳng hạn, khoa của anh hiện chỉ có hai BS phụ trách việc khám bệnh nên khối lượng công việc tương đối nhiều. Mỗi BS trung bình khám khoảng 70 người bệnh/ngày trong khi theo quy định, một BS chỉ được khám không quá 50 bệnh nhân/ngày.
Theo BS Trần Thị Hà, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, mỗi ngày BV đa khoa huyện Hòa Vang khám, chữa bệnh cho khoảng 600 bệnh nhân nhưng chỉ có gần 40 BS. Suốt một thời gian dài, ngoài việc xin tăng cường từ BV tuyến trên, BV phải mời thêm các BS đã về hưu về làm việc để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Nguồn nhân lực hạn hẹp nên các trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại của BV cũng chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Trước đó, vì chưa có BS chuyên khoa ngoại, BV đã phải ký hợp đồng với BS ở các BV tuyến trên để thực hiện các ca mổ.
BS An Đại Đồng là một trong những bác sĩ về hưu vẫn còn làm việc tại BV đa khoa huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: T.AN |
“Từ giờ đến năm 2019, chúng tôi cần thêm 29 BS đa khoa để đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho người dân. Mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút như hỗ trợ 8-15 triệu đồng cho mỗi BS khi về nhận công tác, hỗ trợ tiền thuê nhà hằng tháng cho những người ở xa, tạo điều kiện tham gia các khóa học đào tạo chuyên khoa ngắn hạn… nhưng việc tuyển người còn gặp quá nhiều khó khăn”- BS Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV đa khoa huyện Hòa Vang, nói.
Tình cảnh này cũng đang diễn ra tại BV đa khoa Ngũ Hành Sơn. BS Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc BV Ngũ Hành Sơn, cho biết BV đã nhiều lần cử đoàn ra tận ĐH Huế để đăng tải các thông tin tuyển dụng nhưng không có kết quả. Để “chữa cháy”, BV phải khuyến khích đội ngũ y sĩ của mình đi học để nâng cao trình độ. “Đã có năm y sĩ hoàn thành việc học và trở lại phục vụ tại BV trong vòng ba năm trở lại đây” - BS Dũng cho hay.
Cần tạo thêm động lực cho bác sĩ trẻ
“Dùng ké” bác sĩ Tại các trạm y tế xã, dù trả gấp đôi tiền lương nhưng tình trạng thiếu BS vẫn diễn ra rất phổ biến. Hòa Châu là một trong ba trạm y tế xã của huyện Hòa Vang chưa có BS. Hiện trạm có bảy cán bộ, nhân viên đảm nhiệm việc khám, chữa bệnh cho hơn 15.000 người dân trên địa bàn. Mặc dù đã thông báo tuyển BS trong suốt ba năm nay nhưng không có bất cứ hồ sơ nào ứng tuyển. Mỗi khi bùng phát dịch bệnh hay có ca cấp cứu khẩn cấp, trạm vẫn phải “dùng ké” BS của trạm y tế các xã lân cận. |
Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết: Thời gian qua, mặc dù TP đã cho triển khai nhiều chính sách thu hút nhưng sinh viên y ra trường vẫn không mặn mà về làm việc tại các BV tuyến quận/huyện, cơ sở y tế dự phòng, trạm y tế xã/phường.
Theo BS An Đại Đồng (chịu trách nhiệm chuyên môn khoa Cận lâm sàng, BV đa khoa huyện Hòa Vang, nguyên là BS BV Đà Nẵng), có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này: “Trước tiên là về chế độ lương, thưởng. Thứ hai là môi trường làm việc, cơ hội phát triển năng lực bản thân. Chẳng ai dại gì học xong 5-6 năm đại học lại chấp nhận về làm việc tại trạm y tế xã. Ngay cả việc đầu quân cho các BV quận/huyện cũng có thể khiến cơ hội phát triển chuyên môn, nâng cao trình độ của họ bị thu hẹp hơn so với làm việc tại các BV lớn hoặc tư nhân”.
Từng có thời gian làm việc ở một BV huyện tại Quảng Nam, BS Nhật cũng cho rằng: “Điều mà những BS trẻ quan tâm không hẳn là chế độ lương, thưởng mà còn là môi trường làm việc năng động, cơ hội phát triển năng lực bản thân. Tâm lý của những người mới ra trường là muốn cống hiến, muốn khẳng định. Muốn thu hút họ về làm việc thì các BV cần ưu tiên đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh. Khi BV khang trang, hiện đại, đội ngũ y tế tốt thì bệnh nhân sẽ tìm tới đông. Mà bệnh nhân đông thì BS ắt sẽ có động lực tìm về làm việc thôi”.
TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong ngành y tế. Đồng thời ban hành kế hoạch thu hút, tuyển chọn và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo BS, BS nội trú. Theo đó, đối với BS chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, BS nội trú và những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc được xếp lương theo ngạch, bậc đang hưởng hoặc xếp 100% lương theo ngạch tương ứng với trình độ đào tạo ở bậc khởi điểm. TP cũng hỗ trợ theo chính sách với đối tượng thuộc diện thu hút nguồn nhân lực 1 triệu đồng/tháng trong thời gian năm năm. Sau khi tiếp nhận, bố trí công tác, BS được nhận hỗ trợ một lần với số tiền 15-40 triệu đồng tương đương từng vị trí, bằng cấp chuyên môn. Riêng đối với sinh viên đang học các chương trình đào tạo theo đề án nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được hỗ trợ chi phí 27-34 triệu đồng/người/năm. |
Tác giả: Tâm An
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM