Tin địa phương

Đà Nẵng: 4 vấn đề cần giải quyết để phát triển thành phố thông minh

ần có một hướng dẫn về mô hình, tiêu chuẩn kỹ thuật cho thành phố thông minh, xây dựng một Cổng chia sẻ dữ liệu quốc gia hay giải quyết những vướng mắc trong triển khai chữ ký số là những kiến nghị mà UBND TP Đà Nẵng đề xuất để phát triển thành phố thông minh.

Cần có hướng dẫn về mô hình, giải pháp và tiêu chuẩn để các địa phương phát triển thành phố thông minh. Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ ngành Thông tin và Truyền thông năm 2017, trong định hướng phát triển thành phố thông minh của TP Đà Nẵng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai nhiều công việc để xây dựng thành phố thông minh như: Cập nhật và hoàn thiện Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng, đặc biệt là các ứng dụng, cơ sở dữ liệu nền. Đà Nẵng cũng sẽ ban hành Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh, xây dựng và ban hành các khung kiến trúc chuyên ngành (y tế, giao thông, nông nghiệp) để làm cơ sở cho triển khai đồng bộ, có lộ trình.

Đà Nẵng sẽ sơ kết giai đoạn 1 phối hợp với Viettel triển khai một số ứng dụng về giáo dục, y tế thông minh (đã triển khai ở quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn) ra toàn thành phố, thực hiện các nội dung cụ thể khác trong hợp tác với tập đoàn Viettel đến năm 2020. Tổ chức ký và triển khai hợp tác với FPT, đồng thời xúc tiến việc ký hợp tác với các tập đoàn, công ty như Microsoft, AIC, VNPT, MobiFone về triển khai thành phố thông minh.

Đà Nẵng sẽ nhân rộng một số ứng dụng thông minh do Sở TT&TT đã triển khai thí điểm như: Giám sát và cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước ao hồ (tại hồ Thạc Gián) ra các ao hồ khác; hệ thống giám sát và cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước uống (tại hồ nhà máy nước Cầu Đỏ) cho Nhà máy nước Sân Bay.

Tiếp đó, Đà Nẵng triển khai điều khiến tín hiệu giao thông và camera giám sát giao thông và dự án camera giám sát an ninh trật tự. Triển khai phần mềm phân tích dữ liệu từ camera giao thông, camera an ninh trật tự nhằm tự động, hỗ trợ đưa ra quyết định phục vụ quản lý, đặc biệt là điều tra trấn áp tội phạm. Tiếp tục phát triển các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực: Quản lý đô thị, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, an toàn thực phẩm, du lịch và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

Triển khai và đưa vào sử dụng nền tảng dữ liệu mở (open data) để chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước cho các doanh nghiệp và cộng đồng có thể dựa trên đó phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân.

Mở rộng mạng đô thị (mạng MAN), hệ thống Wi-Fi công cộng, trung tâm dữ liệu, hệ thống an ninh thông tin bảo đảm cho triển khai các ứng dụng phát triển thành phố thông minh. Thành lập trung tâm điều hành, vận hành, giám sát và cảnh báo tập trung thành phố thông minh. Tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp về thành phố thông minh.

UBND TP Đà Nẵng cũng đưa ra 4 kiến nghị, đề xuất để phát triển thành phố thông minh. Theo đó, hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai các ứng dụng thành phố thông minh, tuy nhiên do chưa thống nhất mô hình, các tiêu chí lựa chọn giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật nên mỗi địa phương lựa chọn những giải pháp khác nhau, trong đó có nhiều giải pháp đóng về mặt công nghệ, chi phí vận hành và duy trì cao, khả năng chia sẻ dữ liệu và tích hợp với các hệ thống khác kém, dẫn đến hiệu quả đầu tư về lâu dài không cao. Do đó, đề nghị Bộ TT&TT có những hướng dẫn về mặt mô hình, các tiêu chí lựa chọn giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất trong cả nước.

Hiện nay có nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia đang triển khai, nhưng chỉ có 4 cơ sở dữ liệu quốc gia đã xong, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế công nghiệp và thương mại, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Do đó, Đà Nẵng đề nghị Bộ TT&TT rà soát cụ thể các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có, nghiên cứu, phân tích và xây dựng Cổng chia sẻ dữ liệu quốc gia, tại đây các bộ, ngành, địa phương có thể chia sẻ dữ liệu và cung cấp một phần cơ sở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật.

Việc triển khai chữ ký số trong cả nước đang gặp trở ngại do chữ ký số của Ban cơ yếu Chính phủ, chữ ký số do ngành Hải quan, Thuế, Bảo hiểm xã hội không thể sử dụng thay thế lẫn nhau, do đó cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp phải sử dụng cùng lúc nhiều chữ ký số khác nhau, gây bất tiện và kém hiệu quả trong công tác ứng dụng CNTT, do vậy, Bộ TT&TT cần quan tâm giải quyết vướng mắc này.

Một vấn đề khác, hiện tại các Bộ, Ngành trung ương đang triển khai các ứng dụng ngành dọc mà không tuân thủ các quy định về chia sẻ thông tin số theo quy định tại điều 7, Nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Bộ TT&TT cũng đã quy định tại điều 8, Thông tư 25/2014/TT-BTTTT, do đó, Bộ TT&TT cần kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh để đảm bảo tính hiệu lực của các quy định.

Tác giả: Đình Anh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP