Sự đối lập trong quá trình chuyển giao quyền lực giữa Trump -Biden
Tổng thống Joe Biden đã gửi lời chúc mừng và lời mời đến ông Trump - người tiền nhiệm và cũng là người kế nhiệm ông - đến Nhà Trắng, 4 năm sau quá trình chuyển giao quyền lực đầy tranh cãi khi ông Trump từ chối thừa nhận thất bại, đồng thời tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp. Ông Trump từng phá vỡ một số truyền thống chính trị lâu đời của nước Mỹ, bao gồm việc không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm ở Washington.
Ngoài ra, Đệ nhất phu nhân đương nhiệm cũng có truyền thống tiếp đón Đệ nhất phu nhân mới tại Nhà Trắng, tuy nhiên truyền thống này đã không được bà Melaine - phu nhân của ông Trump thực hiện. Trước đó, năm 2016, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã tiếp đón Melania Trump tại Nhà Trắng.
Ông Trump (trái) và ông Biden (phải). Ảnh: Getty |
Động thái trái ngược của Tổng thống đương nhiệm được xem là một bước tiến mới nhằm khôi phục hình ảnh của người đứng đầu Nhà Trắng quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống. Ngoài việc gọi điện chúc mừng, ông Biden cũng cam kết sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1 tới.
Ông Biden đã đưa ra những so sánh ngầm với quá trình chuyển giao quyền lực hồi 4 năm trước, với tuyên bố thừa nhận Phó Tổng thống Harris đã thất bại trước ông Trump. Ông chủ Nhà Trắng cũng tận dụng thời điểm này để đáp trả những lời chỉ trích về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà ông Trump đưa ra trong nhiều năm qua.
“Cuộc bầu cử Mỹ là sự cạnh tranh của những tầm nhìn riêng biệt. Nước Mỹ chỉ có thể chọn một trong số đó và chúng tôi chấp nhận sự lựa chọn này", ông Biden nói.
CNN dẫn lời một quan chức chính quyền đương nhiệm cho biết, "Tổng thống Biden đã cam kết đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực đoàn kết đất nước", bắt đầu bằng cuộc họp tại phòng Bầu dục với ông Trump vào tuần tới. Phía ông Trump đã chấp nhận lời mời của ông Biden, đồng thời cho biết Tổng thống đắc cử "rất mong chờ cuộc gặp sẽ sớm diễn ra".
Chánh văn phòng mới của ông Trump, bà Susie Wiles và Chánh văn phòng của ông Biden, ông Jeff Zients, đã liên lạc với nhau trong tuần này để thảo luận về quá trình chuyển giao quyền lực và điều phối cuộc gặp giữa ông Trump và ông Biden. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết cuộc gặp này sẽ diễn ra vào lúc 11h sáng ngày 13/11 tại Phòng Bầu dục, đồng thời nói thêm rằng các thông tin chi tiết về cuộc gặp sẽ sớm được công bố.
Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 sẽ khác biệt so với trước?
Sự đối lập không chỉ đến từ cách ông Biden và ông Trump phản ứng trước kết quả cuộc bầu cử mà còn thể hiện trong cách thức xây dựng chính quyền. Ông Trump sẽ xây dựng một chính quyền mới khác biệt so với chính quyền đương nhiệm của ông Biden. Ngoài ra, đội ngũ của ông cũng khẳng định chính quyền lần này sẽ có những thay đổi lớn và không giống với chính quyền đầu tiên của ông hồi năm 2016.
Theo Sky News, nếu nhiệm kỳ đầu tiên được xem là một thí nghiệm, có lẽ nhiệm kỳ Tổng thống 2.0 sẽ là lúc ông Trump "hành động thực sự". Trong giai đoạn đầu tiên nắm quyền của Nhà Trắng, với không nhiều kinh nghiệm điều hành nhà nước, ông Trump đã sa thải hàng loạt nhân sự vì bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, với sự trở lại lần này, quan sát ở Washington tin rằng Tổng thống đắc cử đã "học được nhiều điều từ quá khứ", từ đó xây dựng một chính quyền có tổ chức hơn.
Tổng thống đắc cử sẽ có 75 ngày để xây dựng đội ngũ trước khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Trump sẽ phải bổ nhiệm khoảng 4.000 vị trí trong chính phủ, trong đó khoảng 1.200 vị trí cần sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ. Việc Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện sẽ giúp quá trình phê chuẩn này diễn ra thuận lợi hơn.
Bà Susie Wiles. Ảnh: ChinaDaily |
Hiện nay, ông Trump đã tuyên bố cái tên đầu tiên tham gia vào chính quyền mới của mình - Chánh văn phòng Susie Wiles, người từng giữ vai trò cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông. Trước đó, hồi năm 2020, bà Wiles từng bị ông Trump sa thải trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sau khi có bất hòa. Việc bổ nhiệm bà Wiles là quyết định quan trọng đầu tiên của ông Trump với tư cách là tổng thống đắc cử và có thể là một thử thách mang tính quyết định với chính quyền sắp tới của ông bởi ông sẽ phải nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhân sự giúp điều hành chính phủ liên bang.
Ngoài ra, tỷ phú Elon Musk cũng có khả năng trở thành lựa chọn tiếp theo của ông Trump, sau những tuyên bố từ phía cựu Tổng thống về việc sẽ cân nhắc một vị trí cho ông chủ Tesla trong chính quyền mới. Các thành viên trong gia đình Trump có thể sẽ tiếp tục "sát cánh" bên cạnh Tổng thống đắc cử trong quá trình điều hành đất nước, bao gồm con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner - người từng góp phần định hình chính sách Trung Đông của nước Mỹ trong giai đoạn ông Trump nắm quyền trước đây (2017-2021).
Chiến thắng áp đảo và khả năng kiểm soát cả hai viện (Hạ viện và Thượng viện) của Quốc hội trao cho ông Trump quyền lực mạnh mẽ để điều hành nước Mỹ. Chương trình nghị sự của ông Trump, vốn luôn có phần mơ hồ và sẵn sàng thay đổi, đã đề cập đến việc bãi bỏ Bộ Giáo dục và biến giáo dục thành vấn đề riêng của từng bang. Tân chủ nhân của Nhà Trắng Trump cũng đề xuất "trục xuất hàng loạt" người nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm thuế, áp thuế đối với hàng hóa nước ngoài và cải tổ cơ cấu của chính phủ liên bang.
Các chính sách khác sẽ được thực hiện thông qua các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống. Hãng tin Sky News dẫn lời một cố vấn cấp cao của ông Trump nói rằng, ông có thể sẽ ký một chồng sắc lệnh hành pháp vào ngày nhậm chức.
Sự tự tin là bí quyết để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi. Năm 2016, ông Trump chưa thực sự sở hữu sự tự tin đó. Điều này thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Trump khi người tiền nhiệm Barack Obama mời đến Nhà Trắng để hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên sau 3 lần tranh cử và chiến thắng áp đảo trước đối thủ đảng Cộng hòa trong kỳ bỏ phiếu năm nay, ông Trump đã là một Tổng thống khác hẳn so với 4 năm trước đó.
Tác giả: Diệp Thảo
Nguồn tin: Báo VOV