Ngày 10/7, Hyundai Thành Công lần đầu tiên công bố doanh số bán hàng theo tháng. Theo đó, doanh số ôtô dưới 9 chỗ của Hyundai đạt tổng 24.557 xe trong nửa đầu 2018, đứng thứ 3. Toyota xếp thứ 2 với 25.829 xe, với thương hiệu Toyota và Lexus. Trường Hải tiếp tục là nhà sản xuất dẫn đầu thị trường với 32.308 xe, cộng dồn cả 3 thương hiệu Mazda, Kia và Peugeot.
Hyundai Thành Công không có thông lệ công bố doanh số hàng tháng. Ảnh: HTC. |
Nhờ chiến lược tập trung cho xe lắp ráp Hyundai Thành Công và Trường Hải không gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng. Hyundai hồi đầu năm đã khai tử 4 mẫu xe nhập khẩu để dồn sức cho xe lắp ráp. Trong khi Trường Hải chỉ còn nhập khẩu vài dòng xe không mang ý nghĩa chủ lực về doanh số.
Vị trí dẫn đầu cuộc đua của 3 ông lớn nửa đầu 2018 nhiều khả năng thuộc về Toyota nếu nguồn hàng Fortuner nhập khẩu từ Indonesia ổn định. Từ đầu năm đến nay, mẫu xe này chỉ bán 38 xe, trong khi trung bình mỗi tháng trong năm 2017 đạt hơn 1.000 xe. Chưa kể đến mảng xe cao cấp Lexus đến nay vẫn chưa giải được bài toán nguồn hàng.
Tính tổng doanh số xe dưới 9 chỗ của Hyundai Thành Công và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là 108.360 xe. Như vậy, riêng 3 ông lớn đã đạt tổng 82.694 xe, chiếm 76,3% thị phần trong nửa đầu năm 2018. Phần còn lại chia cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô như Honda, Ford, GM...
Chiếm hơn 3/4 thị trường nên dễ hiểu vì sao Trường Hải, Toyota và Hyundai Thành Công thống trị ở nhiều phân khúc.
3 ông lớn Hyundai, Toyota và Trường Hải nắm giữ hơn 3/4 thị phần thị trường ôtô. |
Trong phân khúc A, Hyundai Grand i10 đứng đầu toàn thị trường với 12.781 xe, cùng với Kia Morning (5.570 xe) làm lu mờ 2 đối thủ còn lại là Chevrolet Spark và Suzuki Celerio. Toyota vẫn bỏ ngỏ phân khúc này, nhưng có thể bổ sung trong thời gian tới nếu những đồn đoán về sự xuất hiện của Wigo trở thành hiện thực.
"Ngôi vương" phân khúc sedan B thuộc về Toyota Vios với 12.650 xe. Phân khúc sedan C là chiến thắng lớn của Trường Hải với cặp đôi Kia Cerato và Mazda3. Còn Toyota Camry nắm giữ vị trí số 1 ở phân khúc sedan hạng D.
Ở phân khúc MPV cỡ trung, Toyota Innova nắm giữ doanh số lên tới 7.597 xe. Trong nhóm crossover, Mazda CX-5 tiếp tục dẫn đầu. Vị trí số 1 ở phân khúc MPV cỡ lớn không ai khác ngoài Kia Sedona. Cuối cùng, Kia Sorento đứng đầu phân khúc SUV cỡ trung dù chỉ có doanh số khiêm tốn 869 xe.
Ngoài 3 ông lớn, Ford tiếp tục thống trị ở phân khúc xe bán tải với Ranger. Dù gặp khó khăn về nguồn hàng, nhưng doanh số 2.874 xe của mẫu xe bán tải này đủ vượt qua tất cả đối thủ còn lại. EcoSport thống trị phân khúc crossover cỡ nhỏ nhờ giá bán tốt và chưa phải chịu nhiều sức ép từ các đối thủ.
|
Cặp đôi City và CR-V của Honda cũng có doanh số tốt, đóng góp nhiều về doanh số cho Honda, nhưng không đứng đầu từng phân khúc tương ứng.
Không tính đến phân khúc xe bán tải do đều nhập khẩu từ Thái Lan, điểm chung của tất cả những ông vua phân khúc nửa đầu 2018 là nguồn gốc lắp ráp. Xe nhập khẩu bị đẩy vào thế yếu trên thị trường, do chưa nhiều doanh nghiệp giải được bài toàn Nghị định 116.
Cuộc chiến nửa cuối 2018 sẽ biến động so với kịch bản của 6 tháng đầu năm. Xe nhập khẩu ồ ạt đổ bộ, nhiều mẫu xe "hot" quay lại và một loạt cái tên mới gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, cơ hội chen chân vào vị trí top 3 về thị phần của Hyundai Thành Công, Toyota và Trường Hải của các doanh nghiệp kinh doanh ôtô còn lại là rất khó, khi chiến lược của chính phủ là tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước, đẩy mạnh xe lắp ráp.
Tác giả: Minh Toàn
Nguồn tin: zing.vn