Kinh tế

Cửa hàng tiện lợi lấn ra vùng ven

Sau khi đã chia xong "miếng bánh" thị trường các khu vực trung tâm TP HCM, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tiến nhanh ra ngoại thành

Sau khi hiện diện dày đặc ở khu vực trung tâm TP HCM, từ hơn 1 năm nay, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tiến nhanh ra các khu vực ngoại thành. Ở các quận, huyện như: 8, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn... đang chứng kiến sự phát triển mạnh của các cửa hàng tiện lợi (bao gồm cả cửa hàng tiện lợi mở 24/24 giờ lẫn cửa hàng thực phẩm).

2 km có đến 6 cửa hàng

Anh Vũ, làm việc ở trung tâm quận 3, kể khu vực quận nhà anh ở gần đây mọc lên dày đặc các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Chỉ một đoạn chưa tới 2 km trên đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 có đến 6 cửa hàng nối tiếp nhau gồm 3 shop Vinmart+, còn lại là Bách Hóa Xanh, Satrafoods, Co.op Food. Những cửa hàng này bán đủ loại hàng hóa từ rau củ quả, thực phẩm tươi sống, đến hóa mỹ phẩm, thực phẩm ăn liền các loại và liên tục "chạy" chương trình khuyến mãi, tặng quà nên lúc nào cũng đông khách.

Anh Vũ cho biết chỉ riêng 2 quận ngoại thành là quận 9 và Thủ Đức đã có cả trăm cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đủ các thương hiệu như Satrafoods, Co.op Food, Vinmart+, Bách Hóa Xanh, Circle K, B’smart, FamilyMart, Ministop… Các cửa hàng này tập trung ở các tuyến đường lớn, khu dân cư đông đúc, cạnh tranh trực tiếp với các chợ tạm, cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cạnh tranh quyết liệt từ nội đô ra đến các huyện ngoại thành TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, số cửa hàng tiện lợi Việt Nam tăng đến 21% trong năm nay và các tên tuổi lớn có độ nhận biết cao, chiếm gần 100%. Thống kê của Sở Công Thương TP HCM cho thấy đến tháng 9-2018 đã có 2.144 cửa hàng tiện lợi hoạt động trên địa bàn, tăng 372 cửa hàng so cuối năm 2017, chủ yếu thuộc hơn 20 chuỗi lớn như Co.op Food, VISSAN, Foodcomart, Shop & Go, Circle K, FamilyMart, 7-Eleven và gần đây nhất là GS25... Các cửa hàng này đang góp phần tích cực vào phát triển hệ thống phân phối hiện đại của TP.

Giám đốc marketing một hệ thống bán lẻ lớn, sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại, cho biết việc các chuỗi cửa hàng tiện lợi tiến về "vùng sâu vùng xa" nằm trong xu hướng phát triển chung của thị trường, tương tự như việc các chuỗi siêu thị sau khi đã phủ kín TP HCM và các TP lớn, thị xã, thị trấn cũng đang tiến về tuyến huyện của các tỉnh. Bên cạnh áp lực mở rộng chuỗi, tăng số lượng điểm bán thì yếu tố người tiêu dùng cũng đang tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. "Người tiêu dùng ngoại thành đang tăng mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi" - vị giám đốc này cho biết thêm.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Các cửa hàng thực phẩm tiện lợi với thế mạnh là bó rau, con cá, miếng thịt tươi ngon đều được chăm chút kỹ lưỡng trong bối cảnh người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm nên ngày càng thu hút khách hơn so với chợ truyền thống. Chị Hồng Ngà, ngụ ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cùng lúc sở hữu thẻ khách hàng VIP của Co.opmart và thẻ khách hàng thành viên Lotte Mart vì thường mua sắm ở Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10, TP HCM) và Lotte Mart (quận 7). Thế nhưng, một năm trở lại đây, chị trở thành khách cửa hàng Co.op Food và Bách Hóa Xanh gần nhà. "Có khi cả tháng tôi mới đi chợ một lần để mua cá đồng và trò chuyện với mấy chị bán hàng. Giờ đã thành thói quen, cần gì cũng ra cửa hàng, từ thịt cá, rau củ đến bịch bún tươi, củ gừng, trái chanh... Tiện là một lẽ, lẽ khác là hy vọng hàng của cửa hàng sạch hơn hàng chợ" - chị Ngà chia sẻ.

Còn với cửa hàng tiện lợi dạng 24/7, khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me chỉ ra rằng số khách hàng (80% ở độ tuổi 16-25) đến cửa hàng tiện lợi ăn uống ngày càng tăng. Giới trẻ đang có xu hướng vào cửa hàng tiện lợi ăn snack, uống nước ngọt hoặc nước suối, các loại mì do cửa hàng làm, đồ tráng miệng, cơm hộp, đồ chiên, trái cây… và lướt mạng hoặc tán gẫu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết doanh thu từ việc cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng tiện lợi đã chiếm 20%-30% tổng doanh thu thị trường nội địa của Sài Gòn Food. "Việt Nam đang dần đi theo xu hướng chung của thế giới lẫn các nước lân cận như Thái Lan, Singapore và Malaysia nên chuỗi cửa hàng tiện lợi bùng nổ. Tăng trưởng của các mặt hàng Sài Gòn Food tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên 80%. Riêng về bữa ăn tươi, năm 2018 mới gia nhập vào thị trường bữa ăn tươi từ cơ hội cung cấp một số sản phẩm cho 7-Eleven như miến, nui, mì xào... nhưng đã phát triển rất tốt. Rất nhiều chuỗi cửa hàng liên hệ đặt mua nước lẩu, các món ăn vặt, ăn liền của Sài Gòn Food" - bà Trinh cho biết thêm.

Tác giả: Phương An - Trang Nguyễn

Nguồn tin: Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP