Kinh tế

Cư dân vùng biển Hà Tĩnh nơi Formosa xả thải đầu độc: Khó khăn chồng chất

Sau sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa Hà Tĩnh xả thải đầu độc, rất nhiều hộ ngư dân và các lao động dịch vụ hậu cần nghề cá tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, mất thu nhập. Nhiều hộ dân gặp bế tắc trong khâu tìm việc làm, thu nhập.


Ngư dân Hà Tĩnh phải vớt sắt vụn từ đáy biển để mưu sinh.

Đầu tháng 7, sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết, có mặt tại âu thuyền thôn Ba Đồng (phường Kỳ Phương, TX.Kỳ Anh), chúng tôi bắt gặp vài chục người tụ tập mưu sinh. Một số người cặm cụi vớt sắt vụn từ biển đem bán, kiếm vài chục nghìn đồng/ngày. Một số tàu thuyền đánh cá cập bến, nhưng lượng hải sản đánh bắt được quá ít.

Chỉ vào mấy con ghẹ khoảng 1kg còn sống bọc trong lưới, chị Dương Thị Vinh (45 tuổi) ngao ngán: “Chú coi, hai ngày nay, tàu đi đánh bắt được khoảng một trăm nghìn”. Chị Vinh có 8 con, 3 đứa học đại học, còn lại học phổ thông. Trước đây, vợ chồng chị làm nghề buôn cá từ bến ra chợ, tháng kiếm hơn chục triệu mới đủ lo cho gia đình. “Mấy tháng nay, tôi phải đi vay để lo cho con học, mà cũng khó”, chị Vinh than thở.

Thôn Ba Đồng có 270 hộ, 1.300 khẩu, trong đó có 53 hộ nghèo, 92 hộ cận nghèo. Đất đai sản xuất nông nghiệp không có, hầu hết các hộ đều sống dựa vào biển. Ông Nguyễn Chân Lý, trưởng thôn cho biết: “Đã ba tháng nay, toàn thôn hầu như không có thu nhập gì, sống chủ yếu vào nguồn tiền trợ cấp, từ thiện, một số gia đình phải vay mượn để ăn”. Ông Lý cho hay muốn chuyển bà con sang nghề khác cũng không dễ, vì dân quen đánh bắt gần bờ, đất đai không có.

Khi được hỏi muốn trợ cấp, bồi thường bao nhiêu, ngư dân Phan Văn Trung bức xúc: “Chúng tôi chỉ mong muốn biển trong sạch, an toàn trở lại, được ra khơi đánh bắt cá bình thường như trước đây, chứ tiền bồi thường bao nhiêu cũng ăn hết”.

Tại xã Kỳ Hà, cánh đồng muối mênh mông vắng lặng. Tìm mãi chúng tôi mới gặp một lão diêm dân đang…chăn bò. Ông cho biết: “Dân đây hầu như không làm muối nữa, vì ế. Chú coi, đồng muối người ta chăn thả bò”.

Kỳ Hà có 500 hộ làm muối, thời gian gần đây, người dân ít sản xuất vì không cạnh tranh nổi với muối từ miền Nam. Sau khi cá chết, muối càng ế ẩm.

Thảm họa cá chết đến quá bất ngờ, người dân và cơ quan chức năng đều không kịp trở tay. Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương cứu trợ ngư dân, thống kê thiệt hại để tổ chức giải ngân bồi thường. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là phục hồi môi trường biển, chuyển đổi, tạo việc làm, ổn định đời sống cho hàng vạn hộ dân ven biển.


Lượng hải sản ít ỏi đánh bắt từ biển.


Cánh đồng muối Kỳ Hà tiêu điều hơn sau thảm họa cá chết.


Đã ba tháng nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh phải nằm bờ.

Tác giả bài viết: Quang Đại - Trần Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP