Theo Bonnie Glaser, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, trong những nguy cơ xung đột hải quân đang nở rộ trên những vùng biển xảy ra tranh chấp, mối nguy hiểm từ những sự cố liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển cũng không nên bị đánh giá thấp.
Những nhà nghiên cứu của CSIS liệt kê chi tiết về 45 cuộc đụng độ và căng thẳng trên Biển Đông kể từ năm 2010 trong một bảng khảo sát được công bố hàng tuần trên trang web ChinaPower của trung tâm này.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Ảnh: China Daily
Hoạt động của các tàu Hải giám, Hải cảnh Trung Quốc chiếm phần lớn trong danh sách những cuộc "chạm mặt" trong vùng biển khu vực. Cụ thể, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã tham gia vào 30 trường hợp đụng độ kể trên, chiếm 2/3 trong tổng số các vụ được nghiên cứu.
"Bằng chứng này đã làm sáng tỏ một kiểu hành vi của Trung Quốc đi ngược lại với việc thực thi pháp luật thông thường", Reuters dẫn lời bà Glaser cho biết.
"Chúng tôi thấy sự dọa dẫm, quấy rối và đâm tàu (của Trung Quốc) đối với những nước có lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá nhỏ hơn nhiều, chủ yếu để khẳng định chủ quyền trên toàn vùng Biển Đông".
Nghiên cứu này cũng bao gồm vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan hải dương thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam bất chấp sự phản đối trong năm 2014, cũng như những căng thẳng dẫn đến việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines vào năm 2012.
Việc Trung Quốc công khai đưa lực lượng hải quân và tàu bảo vệ bờ biển quay trở lại bãi Scarborough đã dấy lên những phản đối ngoại giao chính thức từ phía Manila.
Cục Hải sự Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này, hiện chưa có phản hồi đối với nghiên cứu nói trên.
Bà Glaser tin rằng trong ngắn hạn, với tần suất và cường độ tuần tra của các tàu Hải giám, Hải cảnh, nguy cơ thương vong bởi những vụ va chạm dân sự là rất lớn, thay vì đụng độ giữa lực lượng hải quân trên vùng Biển Đông.
Những cuộc va chạm giữa lực lượng cảnh sát biển của các bên chưa bao giờ được cảnh báo rộng rãi hay đi đến thỏa thuận nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ lớn hơn từ phía hải quân trong khu vực.
Thế giới lo ngại những tranh chấp và cuộc va chạm nhỏ trên Biển Đông sẽ châm ngòi cho những xung đột lớn. Đồ họa: Wikipedia
Các số liệu trong nghiên cứu cũng cho thấy sự thống nhất, phát triển đồng bộ trong lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc. Trong năm 2013, với việc gia tăng ngân sách, Bắc Kinh đã biến đội ngũ này thành lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới.
Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, lực lượng nàynà hiện có 205 tàu , trong đó có 95 tàu trên 1.000 tấn, một lực lượng lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển diễn ra phần lớn các hoạt động thương mại của khu vực Đông Á với thế giới. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông của Bắc Kinh trong vụ kiện của Philippines, tuy nhiên Trung Quốc ngang nhiên không công nhận phán quyết của tòa bất chấp luật pháp quốc tế và lời kêu gọi tuân thủ từ nhiều nước trên thế giới.
Tác giả bài viết: Mai Anh
Nguồn tin: