Có một chi tiết mà ít người biết, kể từ lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam vào ngày 9/6/2004 trong trận đấu gặp Hàn Quốc tại vòng loại World Cup 2006 khi mới 19 tuổi (chung cuộc Việt Nam thua 0-2), tính đến thời điểm này, Công Vinh là người duy nhất vẫn còn tiếp tục trụ lại ở đội tuyển Việt Nam.
Công Vinh vẫn là chân sút không thể thiếu với ĐTQG
Đáng nể hơn khi Công Vinh vẫn là chân sút không thể thiếu trong bất cứ triều đại HLV nào. Anh luôn là một đội trưởng gương mẫu, một điểm tựa về chuyên môn và tình thần cho toàn đội. Anh không chỉ là cầu thủ quan trọng bậc nhất mà còn là cái tên bền bỉ nhất ĐTQG suốt 3 năm qua. Ít khi thấy Công Vinh chấn thương, ít khi thấy anh gặp những sự cố bên ngoài sân cỏ, dù luôn là người bị dư luận “soi” nhiều nhất, và tất nhiên cũng không ít người ghen tị.
Trận đấu chiều qua với Hong Kong là lần thứ 74 Công Vinh khoác áo ĐTQG, vượt qua cựu tiền vệ Nguyễn Minh Phương (73 trận) để trở thành cầu thủ có số lần ra sân nhiều nhất cho ĐTQG.
Kỷ lục về số lần "nổ súng"
Công Vinh đã ghi được tổng cộng 45 bàn thắng và là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử đội tuyển Việt Nam. Con số 45 bàn thắng mà tiền đạo xứ Nghệ sở hữu đã vượt xa số bàn thắng mà đàn anh Lê Huỳnh Đức làm được khi còn thi đấu đỉnh cao trong màu áo ĐTQG (28 bàn). Trước đó, tại V.League, Công Vinh cũng từng xác lập kỷ lục trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất ở giải đấu này.
Công Vinh tiếp tục dẫn đầu trong danh sách chân sút xuất sắc nhất mọi thời đại của ĐTQG và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa mới có người phá được kỷ lục này.
Kỷ lục về thu nhập
Cách đây 7 năm, Công Vinh lần đầu tiên rời SLNA gia nhập Hà Nội T&T với giá chuyển nhượng hơn 7 tỷ đồng/3 năm khiến nhiều người bất ngờ. 3 năm sau, anh “kết duyên” với bầu Kiên năm 2011 với giá 13 tỷ đồng (mẹ Công Vinh thừa nhận trên một tờ báo).
Công Vinh đang trở thành thợ săn kỷ lục của bóng đá Việt Nam
Sau khi CLB bóng đá Hà Nội giải thể, Công Vinh chấp nhận chuyển về chơi cho SLNA không cần phí lót tay. Nhưng chỉ sau nửa mùa 2013, một cơ hội khác lại đến với anh từ Nhật Bản với lời đề nghị của CLB J.League 2 Consadole Sapporo, mức lương là 7.000 USD/tháng. Ngoài tiền lót tay, tiền lương của Lê CôngVinh cũng rất cao.
Công Vinh tiếp tục ký bản hợp đồng bom tấn với B.Bình Dương trước mùa giải 2015, với số tiền chuyển nhượng lên tới 10 tỷ.
Như vậy, chỉ tính riêng tiền chuyển nhượng, trong 7 năm qua, Công Vinh đã bỏ túi hơn 30 tỷ đồng. Số tiến là niềm mơ ước với bất cứ ai, nhưng nó cũng không phải ngẫu nhiên đổ vào két sắt của tiền đạo xứ Nghệ.
Ở tuổi 31 Công Vinh vẫn thi đấu đỉnh cao, chắc chắn cầu thủ này còn phá vỡ nhiều kỷ lục về mức thu nhập cầu thủ Việt. Kiếm bộn tiền, nhưng đó đều là tiền của mồ hôi, nước mắt của chân sút người xứ Nghệ. Ở thành Vinh, người ta hay nói: “Quyến bẩm sinh, vinh khổ luyện”. Chính sự chăm chỉ, cần cù, đã tạo ra một Công Vinh đầy bản lĩnh và cũng không thiếu độ tinh quái trong cả “nghệ thuật” kiếm tiền như ngày hôm nay.
Tác giả bài viết: Song Ngư