Xã hội

Công ty cung cấp cát ‘biến mất’ từ tháng 2.2017

Công ty liên quan đến nghi án làm giả giấy tờ khai thác cát để hợp thức hóa nguồn cung cấp cát cho dự án khu đô thị Đa Phước (TP.Đà Nẵng), mà Thanh Niên đã thông tin, không còn hoạt động.

Xã A Tiêng có địa hình đồi núi hiểm trở, không có mỏ cát nào được cấp phép. ẢNH: HOÀNG SƠN

Cụ thể, ngày 3.5, ông Lê Mai Khắc Hưng, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, xác nhận Công ty CP đầu tư - xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam không còn hoạt động.

Đây là công ty nằm trong danh sách cung cấp cát cho dự án khu đô thị Đa Phước (TP.Đà Nẵng) - Thanh Niên đã thông tin. Ông Hưng cho biết thêm: “Qua tra cứu, đơn vị này đăng ký kinh doanh tại xã A Tiêng, H.Tây Giang nhưng giờ đã bỏ địa điểm đăng ký kinh doanh. Hay nói cách khác, công ty này đã bỏ trốn khỏi địa phương”. Năm 2016 công ty này không nộp báo cáo tài chính.

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam, Công ty CP đầu tư - xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam hoạt động từ ngày 14.11.2014, ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa bằng đường bộ, người đại diện pháp luật là bà Đỗ Thị Hành (trú tại thôn 4, xã Bình Trung, H.Thăng Bình, Quảng Nam).

Đại diện Chi cục Thuế H.Tây Giang cho biết ngày 22.2, đơn vị đã lập biên bản xác minh công ty trên “không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký”. Ngày 28.2, Chi cục Thuế Tây Giang gửi văn bản đến các ngành liên quan để thông báo tình hình hoạt động của công ty này, trong đó nêu rõ đơn vị đã gửi giấy mời làm việc liên quan kê khai thuế nhưng không liên lạc được với doanh nghiệp, và đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành đóng mã số thuế của công ty. Ngày 10.3, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng có thông báo yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của luật Doanh nghiệp; yêu cầu trong thời hạn 6 tháng kể từ khi có thông báo, nếu công ty không báo cáo sẽ bị giải thể theo quy định.

Liên quan vụ việc, ông Bhríu Quân, Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng, khẳng định trên địa bàn xã không hề có mỏ cát nào. Cũng vì A Tiêng không có mỏ cát, nên theo ông Quân, Công ty CP đầu tư - xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam không thể khai thác, buôn bán cát tại địa phương.

Trước đó, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cũng khẳng định từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh không hề cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện. Chưa kể, huyện miền núi Tây Giang cách TP.Đà Nẵng đến 120 km về hướng tây, nguồn tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng chủ yếu phân bổ dọc theo các sông, suối nhưng trữ lượng rất ít, không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng. Thậm chí, còn phải vận chuyển cát từ Túy Loan (Đà Nẵng) hoặc cát từ Sông Voi (H.Đông Giang, Quảng Nam) lên phục vụ nhu cầu tại địa phương.

Trong khi đó, sau khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vào cuộc xác minh nghi vấn quyết định của UBND tỉnh có dấu hiệu làm giả để hợp thức hóa nguồn cung cấp cát cho dự án khu đô thị ở Đà Nẵng, nhà thầu dự án (Công ty CP Trung Nam) và chủ đầu tư (Công ty TNHH The Sunrise Bay) đều có văn bản khẳng định “không liên quan”. Vì vậy, nghi vấn làm giấy tờ giả đổ dồn về đơn vị bán cát cho Công ty CP Trung Nam theo hợp đồng là Công ty CP đầu tư - xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam.

Vào tháng 4, dự án khu đô thị trên bị tình nghi sử dụng cát liên quan gian lận cát ở Cửa Đại (Quảng Nam).

Người dân kéo ra sông Lam phản đối khai thác cát

Những ngày qua, nhiều người dân xóm Hồng Phong (xã Lưu Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An) đã kéo nhau ra sông Lam phản đối, xua đuổi các tàu hút cát. Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát trên sông Lam, đoạn qua xã Lưu Sơn, từng diễn ra cách đây 4 năm và đã chấm dứt sau một thời gian bị người dân phản đối.

Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, nhiều tàu khai thác cát đã quay trở lại, hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm trên sông Lam, đoạn qua xóm Hồng Phong. Việc các tàu hút cát tập trung với mật độ dày tại khúc sông này khiến đất nông nghiệp cũng sạt lở nghiêm trọng. Người dân trong xóm đã gửi đơn, kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngừng việc cho các tàu khai thác cát nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Quá bức xúc, người dân đã kéo nhau ra bờ sông Lam phản đối và xua đuổi các tàu hút cát.

Theo ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn, mỏ cát trên sông Lam được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Công ty CP Lưu Cát Thành (H.Đô Lương) khai thác. Trước đó, vào tháng 12.2016, Công ty CP Lưu Cát Thành đã bị đình chỉ khai thác do chưa hoàn thành các thủ tục liên quan, đến tháng 3 vừa qua thì khai thác trở lại. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND H.Đô Lương kiến nghị UBND tỉnh cho ngừng khai thác cát ở khu vực này nhưng chưa được giải quyết”, ông Lam nói.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND H.Đô Lương, cho biết sẽ cho kiểm tra, khảo sát thực tế việc khai thác cát ảnh hưởng đến đời sống của người dân như thế nào, sau đó sẽ có báo cáo đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết.

Phan Ngọc

Tác giả: Hoàng Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP