Trong nước

Công cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' trước đại hội Đổi mới 1986

Cách đây hơn 30 năm, 60 tỉnh, thành cả nước được sáp nhập lại còn 29 với kỳ vọng trở thành những "pháo đài kinh tế".

GS Đào Xuân Sâm (nguyên giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), từng là thành viên tổ tư vấn của Tổng bí thư Trường Chinh, mô tả nền kinh tế Việt Nam trước năm 1986 như một ngôi nhà xây theo mô hình kế hoạch hóa tập trung.

"Đây là bản thiết kế được thi công ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ; miền Bắc nước ta từ thập niên 60 và sau đó áp dụng trên cả nước từ sau năm 1975", ông nhớ lại.

Máy tuốt lúa được phân phối cho xã viên hợp tác xã ở Hà Bắc (cũ). Ảnh: TTXVN.


Theo GS Sâm, khi đất nước thống nhất, đã có những tiếng nói cân nhắc việc áp dụng "bản thiết kế" cho miền Nam do những đặc điểm riêng nơi đây - nơi những mầm mống của kinh tế thị trường đã được gieo cấy nhiều năm trước đó. Nhưng lúc này, niềm tin "chiến thắng trong chiến tranh ác liệt thì có thể thắng lợi trong xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa" đã trở thành dòng chủ lưu.

Trong ngôi nhà trên, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu được hoạch định, được chỉ tiêu hóa ở cấp Trung ương và địa phương, thông qua hệ thống Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Và cánh cửa duy nhất của ngôi nhà gần như chỉ mở ra với Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV), một tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam gia nhập năm 1978.

Sắp xếp lại giang sơn

Nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong từng dành 15 năm cuộc đời để tìm kiếm tư liệu và khảo sát về "ngôi nhà" kế hoạch hóa tập trung. Theo ông, quan điểm cơ bản được xác định vào năm 1976 là "sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa".

Điều này đồng nghĩa với việc phải cải tạo tất cả những thành phần phi xã hội chủ nghĩa, quy tụ vào quốc doanh và tập thể, đồng thời tiến hành cải tạo tư sản công thương nghiệp và cải tạo nông nghiệp cá thể của nông dân. Trong công nghiệp và thương nghiệp, quốc doanh sẽ là chủ đạo. Trong nông nghiệp thì nông trường quốc doanh và hợp tác xã cấp cao là cốt lõi.

Phiếu mua thực phẩm gồm nhiều loại khác nhau. Theo quy định, phiếu B này dành cho cấp thứ trưởng. Ảnh: Tiến Dũng.


Đặc biệt, để xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, không phải chỉ cải tạo các thành phần kinh tế, mà phải sắp xếp lại giang sơn. Huyện sẽ là cấp cơ bản, như những đơn vị kinh tế cơ sở, mà như vậy thì tỉnh cũ trở nên quá nhỏ bé, phải sáp nhập lại. Lúc này, hơn 60 tỉnh, thành cả nước được sáp nhập còn 29 với kỳ vọng trở thành những "pháo đài kinh tế" có quy mô sản xuất lớn.



Ở Nghệ Tĩnh, huyện Quỳnh Lưu xóa bỏ mọi làng xóm cũ, đốn bỏ vườn cây ăn trái trăm năm, nông dân di dời lên đồi cao dành đất thổ cư nhập làm ruộng lúa, hình thành những cánh đồng rộng hàng nghìn hecta cho máy cày hoạt động. Hà Nội mở rộng phía Tây lên tận Ba Vì để nuôi bò sữa, cung cấp sữa cho người già, trẻ em Thủ đô...

Theo Văn kiện Đại hội VI, cách làm cải tạo xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ "thường theo kiểu chiến dịch". Trong chiến dịch cải tạo công thương nghiệp miền Nam, nhiều thương nhân được đưa từ thành phố về vùng kinh tế mới để khai hoang, tổ chức sản xuất. Các xí nghiệp tư nhân chuyển thành công tư hợp doanh, thương nghiệp bán buôn của tư nhân bị xoá bỏ triệt để... Chỉ những người buôn thúng bán bưng và dịch vụ lặt vặt như sửa xe, cắt tóc thì còn tồn tại.

Trong cải tạo nông nghiệp, nhiều tỉnh phía Nam tiến hành tập thể hóa theo kiểu mệnh lệnh, gò ép nông dân vào các tập đoàn sản xuất hoặc hợp tác xã, dù trước đó họ đã quen với nếp sản xuất lẫn sinh hoạt theo cơ chế thị trường.


Hà Nội thập niên 1980, phương tiện lưu thông chủ yếu là xe đạp và tàu điện. Ảnh: Michel Blanchard.


Khủng hoảng

Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thuật lại trong hồi ký của mình: Giữa thập niên 1980, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khó khăn gay gắt. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ cuối thập niên 1970, do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm, và càng gay gắt hơn khi xảy ra sự cố đổi tiền năm 1985.

Cảnh cấm chợ ngăn sông khiến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trở nên nặng nề. Ông Vũ Oanh thường được cán bộ đi công tác cơ sở, bà con ở quê ra chơi kể nhiều chuyện phiền lòng. Mẹ già mang 5-10 kg gạo đi thăm con ở tỉnh khác, khi đến ranh giới tỉnh bị tịch thu, khóc lóc, van xin cũng không được.

Những phiên chợ quê, khi đội quản lý thị trường đeo băng đỏ đến tịch thu thịt lợn do tư nhân mổ chui bán, chính những người dân quanh đó lại bảo vệ người bán thịt lợn, không ủng hộ đội quản lý thị trường của nhà nước. Thật trớ trêu, bởi tư nhân mổ lợn bán thì giá thịt rẻ hợp túi tiền người dân, thịt bị tịch thu giá lại tăng vọt, người dân bình thường không thể mua nổi. Trong khi, nhà nước chỉ phân phối tem phiếu thịt giá thấp riêng cho cán bộ, công nhân viên (số lượng thật ra rất ít, khoảng 0,3-0,5 kg/người/tháng) và người dân ở thành phố (mỗi người 0,1 kg/tháng).

Nạn đói hàng tiêu dùng kéo dài triền miên, thiếu cả cây kim sợi chỉ, thiếu từng hạt muối thiếu đi, vật giá tăng mạnh.

Nhiều người ki cóp tiền gửi tiết kiệm lâm vào cảnh bi đát do đồng tiền mất giá nặng so với trước khi đổi tiền. Có người bán một con bò lấy tiền gửi tiết kiệm, sau khi đổi tiền chỉ mua được vài con gà.

Cả nước chạy ăn từng bữa

Năm 1980, thay vì dự kiến dư thừa lương thực với kế hoạch 21 triệu tấn thì Việt Nam phải nhập khẩu lương thực nhiều nhất trong lịch sử: 1,57 triệu tấn. Giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam chỉ đạt 1,4%, thậm chí năm 1980 còn -1, tăng thu nhập quốc dân chỉ đạt 0,4%.


Bơm mực bút bi - nghề chỉ có trong thời bao cấp. Ảnh tư liệu.


Tất cả khó khăn, ách tắc ấy dội vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. "Trăm thứ thứ gì cũng phân", "mặt buồn như mất sổ gạo" là những câu cửa miệng một thời. Cuốn sổ gạo trở thành tài sản quý hơn vàng, nhà nào làm mất coi như đói cả tháng.

"Tiêu chuẩn 13 kg gạo mỗi tháng sụt xuống còn chưa đầy 5 kg. Có đợt hết gạo, cửa hàng mậu dịch phát bánh mì hoặc bột mì để dân mang về luộc, hấp. Gạo viện trợ đa số về tới Hà Nội là mốc vàng, vón cục", bà Phạm Thị Minh Tâm (Hoàn Kiếm) từng là mậu dịch viên lương thực kể.

Vật lộn với khó khăn của thời bao cấp, người dân nghĩ ra mọi cách cải thiện cuộc sống: Công chức nuôi lợn trong các khu tập thể, nhà cao tầng; thầy cô giáo sáng tạo ra những nghề phụ như rút lốp xe đạp, bơm mực bút bi, lộn cổ áo sơ mi...


Những người lính trở về sau chiến tranh cũng lao vào vòng xoáy mưu sinh, đi vào trong câu ca một thời: Đầu đường đại tá bơm xe/ Giữa đường thượng tá bán chè đậu đen/ Trung tá đi bán cà-rem/ Thiếu tá thì bận thổi kèn đám ma...

Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng "phá rào" trong nông nghiệp, trong mậu dịch, trong quyết định giá cả lương thực và hoạt động của doanh nghiệp đã giúp cải thiện tình hình ở một số địa phương, phá dần "vòng kim cô" của sản xuất.

Mùa đông năm 1986, cách đây đúng 30 năm, Đại hội VI diễn ra tại Hà Nội với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", quyết định chuyển hướng chiến lược: Đổi mới!

Tác giả bài viết: Hoàng Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP