Trong nước

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 2 luật vừa được hông qua

Sáng nay (19/2), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 2 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Đó là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng và ban hành trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.

Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững. Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

Luật Đất đai gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Luật Đất đai có những điểm mới nổi bật là: Hoàn thiện giải thích các khái niệm cho rõ ràng, dễ hiểu, phổ quát cho các vùng miền; bổ sung giải thích một số cụm từ được sử dụng nhiều lần trong dự thảo Luật để bảo đảm cách hiểu thống nhất.

Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Quốc tịch; Luật Đầu tư, không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai.

Bổ sung một số loại đất vào nhóm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất; nghiêm cấm đối với hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất.

Về thu hồi đất, trưng dụng đất, luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách...

Đồng thời quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh...

Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục mục quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013.

Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Luật sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường: được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.

Cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.

Mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi... để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan.

Quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ đối với chủ sở hữu tài sản mà không đồng thời là chủ sử dụng đất, người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất.

Nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật có các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, gồm các Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Lâm nghiệp, Thủy sản, Tổ chức chính quyền địa phương, Thi hành án dân sự, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đồng thời, bãi bỏ 1 nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến Luật Đất đai.

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành và nâng cao nhận thức về Luật Đất đai và trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Đất đai. Xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật…

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 2 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng


Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới, đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn liên quan tới tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Luật được kết cấu gồm 15 Chương 210 Điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Những nội dung cơ bản của Luật gồm: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng; hoàn thiện quy định về hoạt động và bỏa đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân; hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;...

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, trong đó đối với Luật các tổ chức tín dụng dự kiến có 2 Nghị định và 4 Thông tư quy định chi tiết.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật các tổ chức tín dụng và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện dự thảo Kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: baochinhphu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP