Giáo dục

Con thi vào 10, cha mẹ "ngồi trên lửa"

Lo lắng vì lượng thí sinh thi vào lớp 10 năm nay tăng mạnh so với năm ngoái, nhiều phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ thực sự "đau đầu" cho việc tính chọn trường cho con đăng ký nguyện vọng.

Năm 2018, toàn thành phố Hà Nội có 105.000 học sinh tốt nghiệp THCS dự thi tuyển sinh lớp 10, tăng 22.000 học sinh so với năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ 64.990. Điều này đồng nghĩa với việc gần 40.000 học sinh còn lại sẽ phải vào các trường ngoài công lập hoặc chuyển sang học nghề. Áp lực vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành của Hà Nội như đè nặng hơn lên tâm lý của học sinh và phụ huynh.

Cùng vì lẽ đó, nhiều phụ huynh chia sẻ việc chọn 2 trường để tư vấn cho con đăng ký nguyện vọng đầy khó khăn.

Phụ huynh thấp thỏm đợi con trong quá trình làm bài thi vào lớp 10 năm 2017. Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh.

Trường hợp học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì xét đến nguyện vọng 2, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.

Với tỷ lệ chọi chắc chắn tăng mạnh, những điều này cũng khiến phụ huynh "mất ăn mất ngủ".

Chị Phan Thị Hải Vân (quận Hà Đông) cho biết, trước ngày 10/5 là hạn cuối thu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội một ngày, gia đình chị đã thống nhất được 2 trường cho các nguyện vọng của con. Tuy nhiên trước đó đã phải cân nhắc rất nhiều trước khi đặt bút điền tên trường cho 2 nguyện vọng.

Soi kỹ số chỉ tiêu của từng trường năm nay là bao nhiêu đã đành, vợ chồng chị đau đầu bởi những tính toán riêng khi số thí sinh năm nay tăng mạnh.

"Thật sự cũng phải cân não trong việc lựa chọn các trường. Nguyện vọng 1 con chọn là Trường THPT Lê Quý Đôn, nguyện vọng 2 là Trường THPT Trần Hưng Đạo. Nhưng tôi cũng rất lo lắng bởi khả năng của con có vẻ hơi "cố", Trường THPT Quang Trung thì con không thực sự thích nên không thể đăng ký nguyện vọng 1. Quận Hà Đông có 2 trường top đầu là THPT Lê Quý Đôn và THPT Quang Trung. Mà giả sử không đỗ được THPT Lê Quý Đôn thì nguyện vọng 2 điểm của THPT Quang Trung cũng sẽ bị cao lên 1,5 điểm. Trường Lê Quý Đôn năm ngoái là 51,5 điểm, còn THPT Quang Trung là 48,5 điểm, sau cộng sẽ là 50 điểm.

"Như vậy nếu không đỗ được Trường THPT Lê Quý Đôn thì nhiều khả năng việc đỗ THPT Quang Trung cũng bấp bênh nên đành phải phải chọn một trường thấp hẳn coi là chống trượt", chị Vân phân tích.

Do đó, gia đình chị lựa chọn cho con nguyện vọng 2 là Trường THPT Trần Hưng Đạo với điểm chuẩn năm ngoái chỉ là 40.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Chị Vân cho hay, năm nay, mặc dù Trường THPT Lê Quý Đôn cũng có tăng chỉ tiêu theo điều chỉnh chung của Hà Nội nhưng chị vẫn rất lo bởi tỷ lệ chọi năm nay căng thẳng hơn nhiều so năm ngoái. "Năm ngoái mỗi môn khoảng 7 phẩy có thể được nhưng năm nay xác định chắc phải từ 8 điểm. Thực sự vợ chồng tôi còn lo hơn cả con".

Chị Vũ Huệ (quận Cầu Giấy) cũng khó khăn khi quyết định chọn cho con đăng ký nguyện vọng 1 là Trường THPT Yên Hòa, nguyện vọng 2 là Trường THPT Cầu Giấy, trước số lượng thí sinh tăng vọt.

Bởi đây đều là những trường có điểm chuẩn thuộc top cao của quận. Trường THPT Yên Hòa điểm chuẩn năm ngoái là 52,5, trong khi Trường THPT Cầu Giấy là 50,5.

"Con cũng thuộc diện học tốt nhưng điều khiến tôi bớt tự tin là tỷ lệ chọi năm nay chắc chắn cao hơn nhiều so với các năm trước", chị Huệ chia sẻ.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Chị Đỗ Nga (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ bản thân rất khó khăn trong việc cân nhắc đăng ký trường nào khi số lượng thí sinh dự thi đông. "Theo khu vực tuyển sinh được phân thì con chỉ có thể đăng ký 1 trong 5 trường THPT công lập là Trần Phú, Việt Đức, Thăng Long, Trần Nhân Tông, THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng. Nhưng cả 5 trường đều có mức điểm cao so với mặt bằng chung và sàn sàn nhau, không có trường THPT công lập có điểm chuẩn năm ngoái dưới 48,5 như các khu vực khác".

Sau hồi loay hoay mãi dù vẫn còn phân vân nhưng gia đình chị đành chọn điền tên 2 trường THPT Trần Phú và THPT Trần Nhân Tông.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, để tăng cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập, ngay từ đầu lớp 9, các con đã phải học thêm các môn phục vụ thi nhiều buồi tối trong tuần. Thậm chí nhiều em kín tuần nhưng chừng đó vẫn chưa thể khỏa lấp nỗi lo.

"Vất vả và áp lực lắm. Tôi thấy con lo lắm, rồi cũng vì áp lực mà trở nên khó tính, hay gắt với mọi người xung quanh. Có lần mệt quá đến bữa không ăn, hay phải xin mẹ cho nghỉ cả học chính khóa. Có hôm nghe con bẽn lẽn hỏi nếu con trượt thì sao, tôi thấy thương lắm. Đỗ trượt không biết thế nào nhưng chỉ lo ảnh hưởng tâm lý. Học sinh và phụ huynh đã đành, ngay cả các thầy cô tôi thấy cũng rất áp lực, giao bài tập về nhà suốt, có khi mỗi tối về giao về cho con 2 đề Văn. Chuyện con phải thức học đến 1-2 sáng là thường xuyên", một phụ huynh quận Long Biên thở dài.

Sở GD-ĐT cho biết, ngày 19/5 tới đây, Sở sẽ công bố tỷ lệ chọi vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn để thí sinh và phụ huynh có kế hoạch phù hợp.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP