Xã hội

'Con nhớ bố' và giọt nước mắt chảy ngược của chiến sĩ tuyến đầu chống dịch

“Bao giờ bố về? Con nhớ bố”, mỗi lần con trai hỏi là nam bác sĩ Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) lại xúc động không nói lên lời.

Đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) luôn túc trực ngày đêm phục vụ bệnh nhân COVID-19. Họ là những chiến sĩ blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Họ phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, xa gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Bao giờ bố về? Con nhớ bố"

Bác sĩ Phạm Viết Vinh, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, bước vào khu vực cách ly đặc biệt để chăm sóc bệnh nhân. Thấy anh, bệnh nhân cất tiếng chào hỏi. Trải qua những ngày dài điều trị, cách ly tại bệnh viện, họ coi bác sĩ Vinh như người nhà. Một mình đảm trách việc thăm khám cho hàng chục bệnh nhân, bác sĩ Vinh và ca trực gần như không có phút nào được nghỉ ngơi.

Mỗi ngày, nhiệm vụ của anh là thăm khám, lấy mẫu của bệnh nhân trong các khung giờ sáng, trưa, tối. Anh quan sát từng chi tiết rất nhỏ để đảm bảo người bệnh được thụ hưởng sự chăm sóc y tế tốt nhất. Thấy ai chưa có khẩu trang, anh lại chạy đi lấy. Từng suất cơm nóng hổi cũng được bác sĩ Vinh ân cần đưa đến từng bệnh nhân.

Bác sĩ Vinh thăm khám cho bệnh nhân COVID-19.

Trong hai tháng sống và làm việc tại khu cách ly đặc biệt, anh nói anh không sợ COVID-19, anh chỉ sợ nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con.

Gia đình có 2 vợ chồng đều là bác sĩ đi chống dịch. Các con phải ở nhà với ông bà. Tranh thủ phút giải lao hiếm hoi, anh Vinh gọi điện về cho các con. Đầu dây bên kia, hai đứa trẻ nhìn thấy bố reo lên vui sướng. Nghe con hỏi: “Bao giờ bố về? Con nhớ bố”, anh xúc động không nói lên lời. Anh dặn dò các con phải ngoan, chịu khó học bài và nghe lời ông bà. Thằng út nghe bố nói vậy, mặt buồn thiu, vì lời căn dặn đó nghĩa là bố vẫn phải xa nhà

Chào tạm biệt các con, sau lớp kính bảo hộ dày cộm, người ta vẫn nhận ra những giọt nước mắt của anh.

“Khi nhận nhiệm vụ, anh xác định tinh thần phải xa nhà, xa vợ con. Đây còn là trách nhiệm thiêng liêng của người bác sĩ", bác sĩ Vinh nói.

Xa con mới 8 tháng

Tiếng cọt kẹt của xe cấp phát thuốc văng vẳng khu cách ly đặc biệt. Một người phụ nữ trong bộ đồ bảo hộ kín mít cẩn thận chia từng đơn vị thuốc cho bệnh nhân. Người ta gọi chị là người đàn bà im lặng bởi chị không có thời gian để trò chuyện với bệnh nhân do công việc rất bận. Chị là Vũ Thị Hương, y tá của khoa nội tổng hợp, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương.

Theo sự phân công của bệnh viện, gần 2 tháng qua, chị Hương cùng nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế trực chiến trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. 9h sáng, chị đẩy xe thuốc dọc hành lang, phát thuốc đến từng người bệnh. 14h chiều, công việc lặp lại theo một vòng tuần tự như vậy. Trực chiến tại bệnh viện gần 2 tháng, chị Hương vô cùng nhớ cậu con trai bé nhỏ ở nhà.

Những ngày Hà Nội xuất hiện ca mắc COVID-19 mới, cũng là ngày con trai chị tròn 8 tháng tuổi. Đứa bé chưa cai sữa nên mẹ không đành lòng xa con. Ngày nhận thông báo của bệnh viện, chị ôm con vào lòng, hôn lên trán con và khóc. Chồng chị ôm hai mẹ con vào lòng, dặn vợ giữ gìn sức khỏe, yên tâm lo công việc, mọi việc ở nhà anh sẽ lo. Hai vợ chồng đều công tác trong ngành y tế nên rất cảm thông cho nhau.

Những đêm nằm trong phòng trực, chị Hương nhớ con không ngủ được. Mở điện thoại nhắn tin cho chồng, anh động viên chị cố gắng đợi một thời gian nữa sẽ về với gia đình. Nhưng chị hiểu, công việc của chị sẽ không có ngày nghỉ, trừ khi Hà Nội và các tỉnh không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới.

Chị cũng thường tranh thủ giây phút nghỉ ngơi để gọi video call nhìn con. Đứa bé cười khành khạch khi mẹ chơi trò ú òa. Phút giây chơi đùa với con khiến lòng chị lắng lại và tự động viên phải thật cố gắng, giữ vững tinh thần làm việc.

Chị tâm sự: “Tôi rất may mắn khi chồng và gia đình luôn ủng hộ. Nếu nói công việc không vất vả thì cũng không đúng nhưng đáng sợ nhất là nỗi nhớ gia đình, nhớ con. Nhưng khi vào tâm dịch chống giặc COVID-19, mỗi y bác sĩ, y tá chúng tôi đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Chỉ khi nào dịch bệnh lắng xuống chúng tôi mới yên tâm trở về nhà”.

Các y bác sĩ tại đây luôn sẵn sàng tinh thần làm việc cao nhất.

Những bông hoa thép

Từ xa, bóng hai người phụ nữ đẩy chiếc giường bệnh đi qua dãy hàng lang khu vực cách ly. Sau đó, họ cẩn thận kê giường ngay ngắn, chuẩn bị gối, đệm để đón bệnh nhân mới về. Đây chính là công việc thường ngày của nữ điều dưỡng Lê Thị Phương.

Công tác tại bệnh viện đã lâu, chị Phương quá quen với việc trực Tết. Nhưng đây là năm đầu tiên chị phải trực xuyên Tết không có ngày nghỉ, kéo dài gần 2 tháng.

Ngày xách balo vào bệnh viện theo lệnh điều động của Sở chỉ huy, chị không nghĩ công việc lại căng thẳng và kéo dài lâu như vậy. Đảm trách nhiệm vụ hậu cần cho hàng trăm người bao gồm y bác sĩ, bệnh nhân nên chị Phương và tổ điều dưỡng làm việc luôn chân, luôn tay. Khi thì họ dọn dẹp và vệ sinh khu vực cách ly và chuẩn bị cơm nước cho bệnh nhân, y bác sĩ, khi thì kê giường bệnh, chuẩn bị chăn đệm, quần áo đón bệnh nhân.

Công việc nhiều, tổ lại neo người, chủ yếu là phụ nữ, nên trong mắt bệnh nhân đang điều trị tại viện, tổ điều dưỡng là tập hợp của những "siêu nhân" bởi việc gì các chị cũng làm được.

Dịp Tết Nguyên đán là khoảng thời gian chị Phương nhớ nhà khủng khiếp. Trong thời khắc đón năm mới, chị gọi điện về cho gia đình. Nhìn thấy chồng con, chị òa khóc. Mọi người trong tổ động viên chị giữ vững tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ, sớm trở về với gia đình.

Y bác sĩ đón Tết tại khu cách ly đặc biệt.

Tham gia chống dịch nơi tuyến đầu, không chỉ có chị Phương mà còn có rất nhiều phụ nữ phải xa chồng con thực hiện nhiệm vụ được giao. Làm việc tại khu vực cách ly, các y bác sĩ chỉ có vài tiếng đồng hồ một ngày để nghỉ ngơi. Những ngày bận rộn chị Phương và tổ điều dưỡng gần như trắng đêm.

Mỗi lần có thông báo ca bệnh mới hoặc bệnh nhân diễn tiến nặng, trong lòng mọi người nặng trĩu lo âu. Mặc dù là bác sĩ và bệnh nhân nhưng giữa họ không hề có bất cứ khoảng cách nào. Họ coi nhau như một gia đình.

"Dù nhớ nhà nhưng ở đây có đồng nghiệp và bệnh nhân nên tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Mọi người rất trân quý nhau và coi nhau như một gia đình. Việt Nam chắc chắn sẽ chiến thắng được đại dịch”, chị Phương nói.

Tác giả: VŨ NINH

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP