Trong nước

Có thể giám định lại vụ chích máu HIV vào con tình địch

Liên quan vụ án Đào Thị Thu Thảo thuê người chích máu HIV cho con tình địch nhưng được đình chỉ điều tra với lý do bệnh tâm thần, nhiều luật sư cho rằng cần phải xem xét lại vụ án.

Nữ giám đốc thuê người truyền HIV cho con tình địch

Minh họa DAD

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ án thuê người chích máu HIV cho con tình địch đang khiến dư luận rất quan tâm này,một lãnh đạo TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết nếu vụ án có dấu hiệu phức tạp, cảm thấy phức tạp, vì tính chất phức tạp thì theo luật, TAND tỉnh có thể rút hồ sơ lên để xử.

Qua nghiên cứu hồ sơ xem quá trình thực hiện tội phạm thế nào, nếu có nghi ngờ về kết luận tâm thần, TAND tỉnh sẽ yêu cầu giám định lại.

Đủ năng lực để “thực hiện hành vi đến cùng”

Theo luật sư Lê Trung Phát, việc cơ quan điều tra tiến hành giám định tâm thần sau khi bà Thảo gây án là đúng với quy định. Đây là cơ sở để xem xét năng lực hình sự của bà Thảo trước khi chuyển hồ sơ qua viện kiểm sát truy tố, vì đây là giai đoạn điều tra nên thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Theo điều 13 BLHS, nếu lúc thực hiện hành vi mà người thực hiện hành vi “trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Qua toàn bộ hồ sơ, có thể thấy rằng bà Thảo đã có một chuỗi thời gian dài trong việc lên kế hoạch, thay đổi kế hoạch và thống nhất phương án cuối cùng bằng việc chích máu nhiễm HIV và đưa tiền công cho bên thực hiện.

Như vậy, bà Thảo đã nhận thức được hành vi của mình và quyết định thực hiện đến cùng. Vì thế bà Thảo được xem là có năng lực và ý thức được hành vi của mình.

Do đó, bà Thảo phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra, bà Thảo chỉ thuộc trường hợp phải điều trị bệnh theo quy định tại điều 43 BLHS.

Bên cạnh đó, rõ ràng bà Thảo phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh “cố ý truyền HIV cho người khác” quy định tại khoản 2, điều 118 BLHS. Bà Thảo được xem xét với vai trò là chủ mưu.

Yêu cầu giám định lại

Theo luật sư Trương Xuân Tám - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu bị can Đào Thị Thu Thảo trước khi gây án chưa từng có chứng cứ, hồ sơ bệnh án là mắc bệnh tâm thần, thì dựa vào đâu mà vào thời điểm giám định (tháng 8-2016) Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa có thể kết luận ngược thời gian từ hơn một năm trước đó (tháng 6-2015, thời điểm Thảo bàn bạc, thuê người hại cháu bé) là “tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”?

“Kết luận giám định của hội đồng pháp y rằng bị can Thảo bị tâm thần vào thời điểm trước và trong khi gây án là suy diễn, chủ quan, không thuyết phục” - luật sư Tám nói.

Còn theo luật sư Huỳnh Văn Nông, trường hợp nghi ngờ kết luận giám định thì người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan có thể yêu cầu giám định lại bằng một hội đồng giám định hoàn toàn khác.

Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Xuân Tám cho rằng hoàn toàn có thể yêu cầu giám định lại theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại điều 158 và 159 BLTTHS, khi có nghi ngờ về kết quả giám định thì bị can, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác hoàn toàn có quyền yêu cầu người giám định khác giám định bổ sung hoặc giám định lại, đảm bảo mọi quyết định xử lý vụ án được khách quan, chính xác, toàn diện, nghiêm minh và mang lại tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Người trầm cảm không thể có hành vi như vậy

Trước hết, có thể khẳng định hành vi của bà Đào Thị Thu Thảo và đồng phạm đã phạm vào tội cố ý truyền HIV cho người khác.

Theo công văn 276/TANDTC của TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015, hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 149 BLHS với tình tiết định khung ở khoản 2 là phạm tội đối với người dưới 18 tuổi, có mức hình phạt từ 7-15 năm tù.

Mặt khác, theo WHO: “Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung.

Trầm cảm có thể kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, làm suy giảm đáng kể khả năng làm việc, học tập hoặc khả năng đương đầu với cuộc sống hằng ngày. Trường hợp nặng nhất trầm cảm có thể dẫn đến tự sát”.

Trong thực tế vẫn có trường hợp người bị trầm cảm thực hiện hành vi giết người nhưng luôn đi kèm theo tự sát, thường gặp ở các bà mẹ mới sinh con hoặc có con nhỏ bị trầm cảm.

Cũng có trường hợp các bệnh nhân trầm cảm đôi khi bị kích động (giới y học gọi là kích động trầm cảm) dẫn đến hành vi gây thương tích cho người khác và nạn nhân của họ thường là người nhà, hàng xóm hoặc đồng nghiệp.

Còn trường hợp của bà Thảo là hành vi trả thù có dự mưu và bà Thảo đã đeo đuổi ý định này trong thời gian dài nhằm thực hiện bằng được ý định của mình. Hành vi này rất hiếm gặp ở người bị trầm cảm và khó có thể xem là “kích động trầm cảm”.

Mặt khác, việc kết luận người phạm tội “trước, trong và sau khi gây án bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần” phải dựa vào hồ sơ bệnh án trước khi gây án của người phạm tội chứ không thể dựa vào căn cứ nào khác, và nếu có căn cứ cho rằng bà Thảo bị trầm cảm nặng sẽ nghĩ nhiều đến khả năng tự sát như WHO đã xác định chứ không nghĩ nhiều đến khả năng thực hiện hành vi phạm tội với người khác.

Nếu cho rằng kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa không khách quan, mẹ của cháu bé có thể yêu cầu giám định lại ở cơ quan giám định cao theo quy định của BLTTHS.

Ths Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)

Hại con, tống tiền mẹ

Theo kết quả điều tra, đầu năm 2014 khi ở Hà Nội, Đào Thị Thu Thảo (35 tuổi, trú tại Hà Nội) nhận được thông tin bạn trai mình (ở Vũng Tàu) quan hệ tình cảm và có con với một người phụ nữ khác.

Thu Thảo đã tìm thuê công ty thám tử xác minh thông tin, lên kế hoạch bắt cóc, chích máu nhiễm HIV vào đứa trẻ - con của tình địch để trả thù.

Tuy nhiên, do giám định cho rằng Thảo bị tâm thần, Viện KSND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đình chỉ điều tra với Thảo, chỉ truy tố hai đồng phạm đã giúp sức bà Thảo thực hiện âm mưu trả thù với gia đình tình địch là Lê Trung Linh - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng và Huỳnh Văn Thế.

Theo cáo trạng, sau khi thực hiện các kế hoạch của Thảo, đầu tháng 4-2016, Huỳnh Văn Thế còn nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản của người mẹ nạn nhân.

Vì nắm rõ lai lịch gia đình, những sự kiện từng xảy ra với gia đình mẹ nạn nhân, nên Thế nhắn tin với nội dung đe dọa có người muốn gây hại cho gia đình chị này và yêu cầu phải đưa cho Thế 150 triệu đồng thì Thế sẽ giúp chị không bị người khác gây hại.

Lo sợ, chị này đã đưa cho Thế gần 15 triệu đồng vào tối 5-4-2016. Khi Thế nhận tiền của nạn nhân thì bị công an bắt quả tang, từ đó làm ra vụ án trên. Ngoài tội danh “cố ý truyền HIV cho người khác”, Thế bị truy tố thêm tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Tác giả bài viết: Yến Trinh - Hồ Thái

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP