Ông Võ Văn Mười chỉ ống khói cơ sở nhôm xả thải gây ô nhiễm. |
Ông Võ Văn Mười (49 tuổi, ngụ ấp Thới Bình 2, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ) cho biết, cơ sở tái chế nhôm này được xây dựng vào khoảng tháng 9/2017. Hoạt động vài tháng thì gây ô nhiễm nghiêm trọng. “Khi đốt, ống khói từ phía nhà máy xả ra rất đậm đặc khiến người dân chúng tôi không thể nào chịu được, mùi hôi khi hít phải gây cảm giác đau đầu, khó thở vô cùng… Không những thế, khói từ nhà máy làm sưng đỏ. Vừa rồi tôi đi khám, bác sĩ bảo do không khí ô nhiễm nên mắt bị như thế”, ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, cơ sở này đã từng bị chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt về các lỗi xây dựng sai phép vì chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi có đoàn kiểm tra đến thì cơ sở này lập tức ngừng hoạt động.
Lúc trước, cơ sở nhôm hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng gần đây chỉ hoạt động từ chiều tối đến 3 – 4 giờ sáng thì dừng. Người dân đã trình báo lên UBND huyện và Sở TNMT.
Ông Đ.X.H (51 tuổi) có nhà nằm đối diện với cơ sở nhôm kể lại: “Cách đây 2 ngày, đang ngủ thì mùi hôi từ cơ sở này bốc lên tôi và vợ phải đóng kín cửa mở máy điều hoà nhưng vẫn không hết. Phải chi lãnh đạo xuống đây ăn ngủ với người dân thì mới chứng kiến cảnh tượng dân khổ thế nào. Có lần tôi phản ánh, giang hồ vào tận nhà đe dọa nên tôi sợ lắm”.
Ông H. còn cho phóng viên xem những đoạn clip ông quay lại cảnh cơ sở này hoạt động xả khí thải. “Gần 40 hộ dân ở đây vừa kí đơn gửi lên UBND huyện tiếp tục phản ánh. Nhưng 4 lá đơn đã gửi mà chưa thấy một câu trả lời thỏa đáng. Ở đây có một bệnh viện, một trường học và hàng trăm nhà dân quanh khu vực cứ liên tục chịu cảnh này”, ông H. bức xúc.
Không đủ điều kiện sẽ rút giấy phép
Ngày 28/5, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Kiệt – Phó chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, năm 2017, chủ cơ sở nhôm nói trên có đến Phòng Tài chính kế hoạch của huyện để xin giấy phép đăng kí kinh doanh. Đây là cơ sở tái chế nhôm Hiếu Hiền do ông Nguyễn Thanh Dũng đứng tên. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cơ sở đã gây ô nhiễm môi trường và người dân đã nhiều lần phản ánh. Huyện cũng đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính: Xây dựng cơ sở lớn hơn so với giấy phép đăng kí; phạt về xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích với số tiền khoảng 40 triệu đồng.
“Sau khi xử phạt, đoàn kiểm tra cũng buộc cơ sở nhôm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân thì cơ sở này vẫn lén lút hoạt động. Huyện đã làm văn bản gửi Sở TNMT đề nghị hỗ trợ cho huyện trong công tác lấy mẫu, kiểm tra đột xuất đối với doanh nghiệp này. Nhưng khi đến nơi thì cơ sở lại không hoạt động nên không thể lấy mẫu được”, ông Kiệt thông tin.
Cũng theo ông Kiệt, gần đây doanh nghiệp có đơn gửi đến UBND huyện xin cho phép chạy thử nghiệm nhưng huyện không đồng ý. Vừa qua Phòng TNMT đến làm việc và đã lập 2 biên bản buộc ngưng hoạt động. “Sắp tới huyện sẽ ra thời gian cụ thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các giấy tờ. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về môi trường thì chúng tôi sẽ rút giấy phép kinh doanh”, ông Kiệt nói.
Tác giả: Nhật Huy
Nguồn tin: Báo Tiền phong