Xã hội

Cơ sở chế biến mủ cao su gây ô nhiễm?

Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị vụ việc đến cơ quan chức năng nhưng đến nay, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Nhiều năm qua, người dân 2 thôn Hải Tân và Tân Phong, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà vô cùng bức xúc về cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su hoạt động nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của phóng viên Pháp Luật Plus, cơ sở chế biến mủ cao su đóng tại thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, của Doanh nghiệp (DN) tư nhân Phú Lợi do ông Võ Văn Tương làm chủ đã hoạt động nhiều năm nay.

Chia sẻ với chúng tôi, anh .L, một người dân sống gần DN Phú Lợi bức xúc: “Doanh nghiệp sản xuất mủ cao su hoạt động từ sáng sớm đến tối khuya và một năm chỉ nghỉ khoảng 3 tháng. Hàng ngày, cứ đến giờ sấy mủ vào những lúc giữa trưa hoặc nửa đêm là mùi hôi bốc lên nồng nặc, cửa nhà lúc nào cũng phải đóng kín, đến bữa ăn cũng không nuốt nổi”.

Nước thải được xả trực tiếp ra môi trường

Do không được đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên tình trạng ô nhiễm ngày một tăng lên. Toàn bộ nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su được dẫn lộ thiên qua khu đất ngay phía sau chảy trực tiếp xuống một hố đất lớn; gần đó là ruộng và ao cá của người dân tại thôn Tân Phong. Cơ sở này nằm ở vị trí giáp ranh nên người dân của cả 2 thôn đều phải chịu ô nhiễm.

Một người dân tại thôn Tân Phong bộc bạch, đầu năm nay chị phải đưa con gái đi viện với những nốt mẩn đỏ nổi khắp người cháu bé. Theo kết luận của bác sĩ, cháu bị dị ứng với mùi mủ cao su. Do tình trạng ô nhiễm không cải thiện nên chị phải thường xuyên đưa con gái đi tái khám.

Không chỉ có DN Phú Lợi mà còn nhiều những điểm thu mua, chế biến mủ cao su khác. Các cơ sở sản xuất thường lợi dụng lúc trời mưa để xả thải ồ ạt gây ô nhiễm môi trường nước. Khoảng 1 năm trước có một hộ nuôi cá ở đây vì không ngăn dòng nước chảy để nước thải vào hồ đã dẫn đến chết hồ cá.

Dòng nước đen ngòm, nổi bọt và bốc mùi hôi thối

Ông Huỳnh Đượm, trưởng thôn Hải Tân cho biết: “Vào giữa năm 2016, nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên xã về tình trạng này và xã cũng đã có văn bản trả lời. Theo đó, xã sẽ kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm của các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn còn tiếp diễn”.

Trao đổi với PV, ông Trần Viết Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết: “Tình trạng ô nhiễm mà người dân phản ánh trên là có thật. Sau khi kiểm tra và xử lý nhiều sai phạm tại các cơ sở trên địa bàn chúng tôi đã có kế hoạch di dời các cơ sở trên ra xa khu dân cư ít nhất 2 km. Riêng DN Phú Lợi đã tìm địa điểm mới vào tháng 8/2016 nhưng vì vấn đề gì đó mà đến nay vẫn chưa thể di dời được. Theo kết quả kiểm tra mới nhất từ đoàn kiểm tra của thị xã với DN Phú Lợi, thì mức độ chất thải của DN này vẫn trong mức cho phép. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai công tác di dời và sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên”.

Liên quan đến vụ việc ông Võ Văn Tương, chủ DN Phú Lợi chia sẻ: “Năm ngoái tôi dự định làm thêm một nhà máy nữa để mở rộng phạm vi sản xuất nhưng vì chi phí quá lớn và không đủ nguyên liệu nên không làm được. Hiện tại tôi không có ý định di dời cơ sở này vì khi hoạt động chúng tôi có xin phép xã và có đầy dủ giấy tờ đăng ký”.

Đồng thời, ông Tương cho biết, việc xả thải trực tiếp ảnh hưởng đến các hộ khác là do một lần sơ suất của công nhân nên làm nước chảy về hồ cá của một người dân gây chết cá. Còn dòng nước chảy ra phía sau chỉ là nước sinh hoạt của các công nhân nên không độc hại

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần giải quyết dứt điểm, tình trạng ô nhiễm trên để người dân có thể ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tác giả: Tràng Thy

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: cao su , Huế , ô nhiễm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP