Kinh tế

Có ngân hàng 'vượt rào' lãi suất, cho vay tới 13-14%

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng: “Một vài ngân hàng đưa lãi suất cho vay cao làm sao giảm được mặt bằng lãi suất chung, làm sao thống nhất được mặt bằng lãi suất”. Ông Tú đề nghị cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng theo dõi tình hình lãi suất ngân hàng nào có lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN chiều 25/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất cho vay bình quân ở một số ngân hàng còn cao. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải ngồi lại cùng bàn tiếp tục hạ lãi suất cho vay trước dịp nghỉ lễ.

Huy động đã về thấp, cho vay vẫn cao

Phó Thống đốc cho biết trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay rất cao.

Trong đó, lãi suất cho vay đầu tháng 4 của nhiều nhà băng vẫn lên tới 13-14%/năm, cá biệt có ngân hàng đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm.

“Thậm chí, đây mới chỉ là lãi suất cho vay bình quân, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn”, Phó thống đốc nhấn mạnh và yêu cầu lãnh đạo một loạt ngân hàng giải thích về việc đưa lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung toàn ngành.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng: “Một vài ngân hàng đưa lãi suất cho vay cao làm sao giảm được mặt bằng lãi suất chung, làm sao thống nhất được mặt bằng lãi suất”. Ông Tú đề nghị cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng theo dõi tình hình lãi suất ngân hàng nào có lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung. Hiện một số ngân hàng đang huy động lãi suất bình quân ở mức tương đương thị trường nhưng lại cho vay ra với lãi suất bình quân cao hơn, lên tới 12-13%/năm.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải xem xét lại, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng phải rà soát, theo dõi vì sao các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất cho vay cao như vậy.

“Phải chăng đây là điểm gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân. Lãi suất cao như thế này doanh nghiệp làm sao mà kinh doanh được?”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo và cho biết hiện mặt bằng lãi suất cho vay của toàn nền kinh tế chỉ vào khoảng 9-10%/năm, nhưng vẫn có những ngân hàng đưa ra lãi suất lên tới 12-13%/năm.

Ông cũng yêu cầu các ngân hàng phải tính toán lại chiến lược phát triển, đồng thời tiết kiệm chi phí để giảm thêm nữa lãi suất cho vay, không đẩy lãi suất lên cao thêm, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

"Các ngân hàng phải ngồi lại với nhau trước nghỉ lễ bàn về việc giảm lãi suất cho vay. Và ngay sau nghỉ lễ có thể áp dụng", Phó Thống đốc nói.

Ngân hàng nói gì?

Tại hội nghị, đại diện ngân hàng VPBank giải thích: Lý do lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng có cao hơn so với thị trường là do nhà băng định hướng phát triển phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Với chiến lược kinh doanh với tệp khách hàng này, ngân hàng buộc tập trung phát triển các sản phẩm tín chấp, tiêu dùng, do đó có tính đặc thù rủi ro cao hơn. Từ đó, dẫn tới yêu cầu kiểm soát rủi ro cao hơn và khiến cơ cấu lãi suất cho vay ảnh hưởng. Tuy nhiên, lãnh đạo VPBank cam kết sẽ nhanh chóng tính toán tiết kiệm chi phí để giảm lãi vay.

Tương tự, lãnh đạo VietABank cho biết hoạt động cho vay của ngân hàng cũng mang một số nét đặc thù riêng với phân khúc khách hàng cá nhân. Thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động đã có xu hướng giảm nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Vị lãnh đạo ngân hàng khẳng định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng sẽ được kéo về mức trung bình toàn ngành.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%). Bên cạnh nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp thì còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP