Giáo dục

Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, có ý kiến nên bỏ kỳ thi này và cũng có ý kiên cho rằng không nên bỏ, vì sao ?


ky thi FSCA
Ảnh minh họa (internet)


Theo điều 31 Luật Giáo dục ( Luật số: 38/2005/QH11 ngày 14/ 6 /2005 của Quốc hội ) quy định: “ Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Luật đã quy định, thiết nghĩ không nên tranh cãi việc có nên hay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệpTHPT, mà nên tìm cách để kỳ thi đảm bảo được “độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”, theo tinh thần Nghị quyết 29TW.

Tôi cho rằng, kỳ thi tốt nghiệpTHPT sẽ cho kết quả trọn vẹn hơn, nếu như Bộ GD&ĐT sửa đổi Quy chế thi, theo đó công thức tính điểm xét tốt nghiệp nên bỏ điểm trung bình môn cả năm lớp 12.

Cũng đã có ý kiến cho rằng, có nên bỏ điểm trung bình cả năm lớp 12 trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp ?

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia hiện hành, thì điểm xét tốt nghiệp được tính theo công thức, trong đó điểm trung bình cả năm lớp 12 chiếm 50%, còn lại là trung bình điểm của 4 môn thi và điểm khuyến khích ( nếu có ).

Còn nhớ, các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, trong nhiều năm, trong công thức điểm xét tốt nghiệp không có điểm trung bình cả năm lớp 12, mà điểm trung bình cả năm lớp 12 được tính vào điều kiện để xét học sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT học sinh có điểm trung bình cả năm dưới 3,5 hoặc có điểm trung bình của một môn học dưới 2,0 thì học lực xếp loại kém và theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT: học sinh có học lực xếp loại kém thì không được dự thi tốt nghiệp.

Điều này cũng có nghĩa là, nếu như bỏ điểm trung bình cả năm lớp 12 trong công thức điểm xét tốt nghiệp theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, vẫn sẽ đảm bảo được yêu cầu: “ Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”, theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Vì sao phải bỏ điểm trung bình cả năm lớp 12 ?

Theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT thì điểm trung bình cả năm bao gồm các loại điểm kiểm tra: Miệng, 15 phút, 1 tiết và học kỳ.

Trong số này, chỉ có điểm kiểm tra 1 tiết và học kỳ các môn Văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được các trường phổ thông tổ chức theo hình thức tập trung ( đề kiểm tra chung cho khối lớp, giáo viên coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra như tốt nghiệp ); còn lại điểm kiểm tra 1 tiết và học kỳ các môn Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học , Giáo dục quốc phòng và An ninh

(bộ môn Thể dục đánh giá bằng nhận xét), cùng với điểm kiểm tra miệng, 15 phút tất cả các môn học đều tổ chức tại lớp( giáo viên dạy ra đề kiểm tra, tự coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra).

Thực tế ở trường phổ thông cho thấy, nếu điểm kiểm tra không được tổ chức theo đề chung, việc coi và chấm bài kiểm tra như thi tốt nghiệp, thì tính khách quan và độ tin cậy của nó không cao, bởi:

- Có không ít giáo viên chấm điểm kiểm tra điểm kiểm tra miệng theo cảm tính, có thể nâng điểm dễ dàng bởi loại điểm kiểm tra này không được thẩm định.

- Học sinh học thêm thường có điểm kiểm tra 15 phút cao hơn không học thêm, cũng bởi kiểm tra 15 phút tổ chức tại lớp, giáo viên dạy ra đề kiểm tra, tự coi và chấm bài kiểm tra, thế nên khó có được tính khách quan nếu không phải là giáo viên có lòng tự trọng và có lương tâm nghề nghiệp.

- Ngoài 8 môn học có thi tốt nghiệp được tổ chức kiểm tra theo hình thức tập trung, thì các môn còn lại học sinh thường không chuyên cần học tập, thế nhưng điểm trung bình môn cả năm của học sinh hầu như tất cả từ 5, 0 trở lên, nghĩa là giáo viên dạy không để các em phải bị xếp loại kém.

Chính vì thế, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, luôn luôn có thí sinh bị điểm liệt với số lượng khá lớn và không ít thí sinh bị kỷ luật do vi phạm Quy chế thi, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là giáo viên không để các em bị xếp loại kém về học lực, còn nhà trường xét cho các em được dự thi.

Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ:“ Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Do đó việc bỏ điểm trung bình môn cả năm lớp 12 trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp theo Quy chế thi hiện hành của Bộ GD&ĐT cũng là điều hợp lý.

Ngoài việc bỏ điểm điểm trung bình môn cả năm lớp 12 trong công thức tínhđiểm xét tốt nghiệp THPT, tôi kiến nghị với Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi Thông tư 58/2011/TT- BGDĐT, theo đó việc đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng cách cho điểm thì phải được tổ chức theo hình thức kiểm tra tập trung như thi tốt nghiệp; còn loại điểm kiểm tra nào, môn học nào không tổ chức tập trung được thì chuyển sang đánh giá kết quả học tập.bằng nhận xét.

Có thực hiện những điều này, thì kết quả đánh giá xếp loại học lực của học sinh mới đảm bảo được độ tin cậy và trung thực, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đạt được yêu cầu đề ra, theo tinh thần Nghị quyết TW 29 về : “ Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.

Tác giả bài viết: Trần Vũ Thị (trấn Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP