Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là Công ty bảo hiểm T. với bị đơn là ông V. do có kháng cáo của phía Công ty T.
Đòi nhân viên cũ nộp phạt
Trong đơn khởi kiện nộp tại TAND huyện Phong Điền, phía Công ty T. trình bày: Năm 2014, công ty ký hợp đồng lao động với ông V., chức vụ được giao là phó phòng Tài sản-Kỹ thuật. Quá trình làm việc, ông V. đã tự ý sử dụng ấn chỉ bảo hiểm của công ty để bán cho khách hàng mà không nộp phí, gây thiệt hại cho công ty.
Vì vậy, công ty khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông V. phải trả hơn 367 triệu đồng, gồm hơn 112 triệu đồng tiền công ty đã chi trả cho người mua bảo hiểm, gần 256 triệu đồng tiền phạt theo quy định nội bộ của công ty vì ông V. không giao trả cho công ty 2.006 liên ấn chỉ xe máy hai năm 2015-2016, 10 liên ấn chỉ ô tô năm 2015, 250 liên ấn chỉ sử dụng điện năm 2015.
Làm việc với tòa, ông V. cho biết có nhận các liên ấn chỉ bảo hiểm của Công ty T. để bán nhưng bị mất do không liên lạc được với một số đại lý chứ không có chuyện ông tự ý bán lấy tiền bỏ túi riêng. Ông chỉ đồng ý bồi thường số tiền mà công ty đã phải chi trả cho khách hàng là hơn 112 triệu đồng. Còn tiền phạt với số liên ấn chỉ bị mất nói trên thì ông không đồng ý do các liên ấn chỉ này đều đã hết hạn và công ty cũng đã ra thông báo công khai về việc hủy chúng.
|
Vi phạm điều cấm của luật
Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2017, TAND huyện Phong Điền nhận định: Đối với các ấn chỉ bảo hiểm xe máy năm 2015 mà công ty giao cho ông V. đã phát sinh sáu trường hợp phải bồi thường với số tiền hơn 112 triệu đồng. Phía công ty đã bồi thường xong cho khách hàng. Bị đơn đồng ý trả số tiền này nên tòa công nhận.
Đối với việc công ty yêu cầu ông V. trả tiền phạt do làm mất các liên ấn chỉ bảo hiểm với số tiền gần 256 triệu đồng, theo tòa, các ấn chỉ này đều có ghi năm hết hạn và thời điểm không còn giá trị của ấn chỉ. Phía công ty cũng thừa nhận đã đăng báo hủy các ấn chỉ năm 2015, như vậy công ty không phát sinh thiệt hại.
Từ các nhận định trên, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty T., công nhận việc bị đơn thỏa thuận trả cho nguyên đơn số tiền hơn 112 triệu đồng.
Công ty T. kháng cáo yêu cầu TAND TP Cần Thơ sửa bản án sơ thẩm, buộc ông V. phải trả thêm gần 256 triệu đồng tiền phạt.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND TP Cần Thơ nhận định: Phía nguyên đơn cho biết đã đăng báo công khai về việc tự động hủy các ấn chỉ bảo hiểm năm 2015. Do công ty chưa phát sinh các sự kiện pháp lý liên quan đến các ấn chỉ bị mất, chưa phát sinh các thiệt hại nên không xem xét yêu cầu này của công ty.
Đối với yêu cầu phạt tiền vì bị đơn làm mất ấn chỉ, theo tòa phúc thẩm, việc phạt tiền này là theo quy định nội bộ của công ty nhưng lại vi phạm điều cấm của BLLĐ nên tòa không có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm có sửa án sơ thẩm. Theo đó, với số ấn chỉ mà ông V. cho rằng làm mất, nếu sau này làm phát sinh sự kiện bảo hiểm liên quan, phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại của khách hàng thì sau khi giải quyết với khách hàng, phía công ty có quyền khởi kiện ông V. để đòi bồi thường.
Công ty sắp kiện một vụ khác Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, Công ty T. đã phải bồi thường một hợp đồng bảo hiểm trị giá hơn 100 triệu đồng liên quan đến ấn chỉ bảo hiểm mà ông V. làm mất. Sau đó, phía công ty đã trình hồ sơ lên tòa phúc thẩm nhưng được tòa hướng dẫn là phải nộp đơn kiện thành một vụ kiện khác. Như vậy, sau phiên tòa phúc thẩm trong vụ án này, Công ty T. sẽ lại phải đi kiện ông V. để đòi bồi thường tiếp bằng một vụ án khác. Quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động 1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động. 2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. 3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động. (Theo Điều 128 BLLĐ 2012) |
Tác giả: NHẪN NAM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM