Xã hội

Chuyện lão nông điều tra chống tiêu cực

Lão nông Phạm Tấn Lực điện cho tôi để cung cấp tin về nhà thầu thi công gian dối. Lão cũng điện cho nhiều nhà báo khác để báo cáo “chuyên án” do mình điều tra. Suốt 2 năm trời, lão bám theo nhà thầu Giang Tô thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để kiểm tra. Cái lý của lão là “họ thi công gian dối thì Nhà nước mình thêm nợ công chồng chất”.

Lão nông Phạm Tấn Lực với những bằng chứng trong tay để cung cấp cho báo chí.

Lão nông và quốc sự

“Bữa rày họ mới xây cầu bắc qua đoạn cao tốc, nhưng xây xong thì nứt, bà con nhân dân và anh Ba (cách lão Lực thường tự xưng hô về mình) chụp ảnh hết rồi” - ông Lực từng điện cho tôi như vậy và nói giọng buồn rầu về nhà thầu đang thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi băng qua gần nhà ông.

Những cú điện thoại cứ như lẽ tự nhiên nó phải thế ấy đã giúp rất nhiều nhà báo có chút manh mối để về điều tra. Người dân thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từng xì xào về việc lão nông Phạm Tấn Lực được nhiều nhà báo đến thăm, trong khi ông thôn trưởng sát bên và là cán bộ đảng viên thì sao hổng thấy ai hỏi!

Ông Lực ngoài 50 mà trông đã già lắm. Cao khoảng 1,5 mét, nước da đen thui, giọng nói hơi cà lăm, khuôn mặt với những đường nét già nua, gầy gò khắc khổ. Gia đình ông sống trong một căn nhà cũ kỹ và rêu phong, thóc lúa chất quanh hè, gà chạy phía sau. Nhìn ông và ngôi nhà, có người sẽ liên tưởng đến thân phận thấp bé của một người nông dân chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và lựa chọn cuộc đời an phận thủ thường.

Nhưng đối với lão nông Phạm Tấn Lực thì không phải như vậy. Lão bảo rằng, mình là con liệt sĩ Phạm Tui, bản thân từng đi bộ đội năm 1979, làm văn thư cho Tiểu đoàn trưởng, được học rất nhiều về đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy cái tâm luôn nghĩ về đất nước.

Lão kể, “Đêm nào tui cũng nghe đài và chú ý nhất là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nợ công của Việt Nam. Mỗi người dân mình cõng nợ vài chục triệu, nhiều hơn lúa gặt cả năm cộng lại”.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài gần 140km, tổng mức đầu tư là 1.472 triệu USD, chủ yếu từ nguồn vay (ODA của Nhật Bản 673 triệu USD, Ngân hàng Thế giới 631 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam). Năm 2016, nhà thầu Giang Tô của Trung Quốc thi công 10,6 km gói thầu A3, đoạn băng qua gần nhà lão. Ông Lực phát hiện ra những hạng mục thi công gian dối nên bắt đầu mở “chuyên án”.

Ngôi nhà cấp 4 của lão nông.

Gửi thư cảnh báo

Ngôi nhà cũ kỹ của lão nông Phạm Tấn Lực luôn dậy mùi thuốc nam. Bà Trần Thị Cường, vợ lão bị bệnh hiểm nghèo và đã chạy chữa khắp cả nước. Bà Cường sút thêm vài kg nữa khi phát hiện ông chồng có dáng người nhỏ thó kham khổ lại đi “điều tra” nhà thầu Trung Quốc thi công đường! Hèn chi suốt ngày ông nghe điện thoại rồi lại ghi chép, đi rửa ảnh, đánh máy, in ảnh màu, gửi thư, rồi nói rằng “mình con cháu Bác Hồ thấy việc bất bình là phải làm tới nơi tới chốn”.

Lão nông Phạm Tấn Lực đi điều tra và thu thập chứng cứ rất kỹ về việc nhà thầu thi công sai phạm. Lão lập luận “họ là nhà thầu nước ngoài, mình nói sai thì đi tù ráo trọi”. Kết thúc giai đoạn 1 của “chuyên án” vào năm 2016, lão được khá nhiều người dân ủng hộ cung cấp thông tin. Lá đơn đầu tiên lão viết gửi cho các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi và chỉ ra cặn kẽ những sai phạm của nhà thầu Giang Tô và không nêu họ tên người gửi.

Những lá thư sau, lão quyết định ghi đầy đủ tên. Chứng cứ trong đơn được đề cập cụ thể hơn và có đủ hình ảnh. Thành công của lão là đã “cài cắm” được công nhân, cán bộ đang thi công tại công trường. Họ được lão thuyết phục bằng cái lý “nợ công các cháu ơi, toàn tiền đi vay nước ngoài, họ làm gian dối thì con cháu mình mang nợ”.

Lão chỉ học hết lớp 7 nhưng cách viết đơn rất hay. Mỗi khi các nhà báo về gặp và phản ánh thì lão viết một lá thư phúc đáp gửi tòa soạn để cảm ơn báo chí quan tâm. Từ những lá thư của lão và được báo chí phản ánh, Tổng Cty Đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã cảnh cáo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công các gói thầu A3, A4, A5 đã để vật liệu không đảm bảo chất lượng đưa vào công trình; xử lý đào bỏ các khối lượng đất bùn lẫn rễ cây, đá đã đắp tại nhiều vị trí mà người dân tố giác; thay thế nhân sự quản lý chất lượng của nhà thầu; đổi ông Guo Li Ping (người Trung Quốc) nhân sự phụ trách thi công.

Nhưng một thời gian sau, lão bắt đầu bị phía đơn vị thi công phát hiện là người cung cấp tin tức cho báo chí. Một số kẻ lạ mặt đến gặp lão và đe nẹt không được đụng đến Giang Tô. Những cuộc điện thoại bất thường với lời hăm dọa “lấy mạng cả gia đình”. Nhưng lão vẫn điềm tĩnh thuyết phục “các anh là người Việt Nam, phải bảo vệ dân tộc mình, tại sao lại đồng lõa với việc làm sai của họ? Làm nợ công của đất nước mình ngập đầu”.

Đỉnh điểm là gia đình lão bị đầu gấu ném đá lúc nửa đêm. Vợ lão mất ngủ và suốt ngày canh chừng. Còn lão ốm o chỉ còn 45 kg. Cú khủng bố này khiến bà vợ chập chờn nỗi lo chồng bị ám sát. Nhà báo đến xin gặp thì bà dò xét, không cung cấp chỗ ở, không cho điện thoại.

Vợ ông Lực với túi đá mà các đối tượng ném vào nhà.

Điều tra viên nông dân

Đầu năm 2017, tôi gặp lại lão nông khi “chuyên án” của lão bước vào giai đoạn không còn bí mật. Sau vài lần bị dọa, lão hiên ngang tuyên bố “anh Ba không sợ ai hết, cha liệt sĩ thì con hy sinh!”.

Có lẽ lời tuyên bố của lão đã khiến các đối tượng kia phải lùi bước. Lão cho biết, hôm trước đã gửi 26 tấm ảnh cùng lá thư cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo tình hình và bày tỏ tấm lòng về việc các lãnh đạo lo nợ công của đất nước, nếu như vậy thì mỗi người dân phải ra tay đóng góp.

Lão dẫn tôi ra đường cao tốc, tay kẹp bộ hồ sơ, chiếc áo cũ sờn giắt cây bút. Từ đầu năm tới nay, ông Lực không còn bí mật đi điều tra việc thi công mà ung dung đi dọc đường để ghi ghi chép chép, thấy gì nghi ngờ là điện hỏi nhà thầu. Trong cái nhìn của tôi, đây là “hình ảnh đẹp nhất” mà tôi từng gặp trong suốt những năm tháng làm báo.

Bởi vì, theo Hiến pháp, mỗi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng đất nước. Lão nông học hết lớp 7 này đã cương quyết và đi đến tận cùng chỉ để thực hiện quyền của một người dân. Nếu người dân nơi nào cũng đi đến tận cùng như lão thì nỗi lo nợ công giảm bớt phần nào.

Con trai lão đang làm thuê trong Sài Gòn và được một công ty thi công đề nghị về làm công nhân trả lương cao, nhưng lão thẳng thừng từ chối, và cho rằng: “Tôi là người dân đi kiểm tra, giám sát, nếu con trai vô làm thì làm sao giám sát khách quan. Như thế tôi lại thành người lợi dụng các ông”.

Lão Lực cho biết, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VEC đã sẵn sàng nghe điện thoại, chỉ đạo cấp dưới kiểm tra và xem xét nếu người dân phản ánh là thi công không đảm bảo chất lượng. Cuối năm, đơn vị thi công mang tặng lão một tập lịch thật to và đẹp để cảm ơn...

“Đêm nào tui cũng nghe đài và chú ý nhất là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nợ công của Việt Nam. Mỗi người dân mình cõng nợ vài chục triệu, nhiều hơn lúa gặt cả năm cộng lại”.

Lão nông Phạm Tấn Lực

Tác giả: Lê Văn Chương

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP