Đó là câu hỏi được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt ra với Đất Việt khi nói về việc Cục thuế Hà Tĩnh giải quyết hoàn thuế VAT cho Formosa Hà Tĩnh số tiền lên tới 13.483,4 tỷ đồng.
PV: Trong báo cáo vừa trình Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2014 đến tháng 5/2016, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết hoàn thuế GTGT cho Formosa Hà Tĩnh 13.483,4 tỷ đồng (trong đó có 1.459,4 tỷ đồng ghi thu ngân sách, ghi chi hoàn thuế).
Đáng chú ý, trong các giải pháp hỗ trợ về thuế GTGT đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại trong sự kiện trên, riêng Formosa được hoàn thuế GTGT nhập khẩu theo hình thức ghi thu-ghi chi trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan xác nhận thông quan và xác định số thuế GTGT nhập khẩu phải nộp phát sinh.
Bà có bất ngờ trước việc Formosa Hà Tĩnh được hoàn thuế một số tiền lớn như vậy không? Theo bà, đây có phải là minh chứng cho việc các doanh nghiệp FDI đang được hưởng quá nhiều ưu đãi?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi thật sự rất ngạc nhiên khi biết thông tin này. Lúc đầu, Formosa được miễn và hoàn thuế hơn 13.000 tỷ đồng. Sau đó Tổng cục Thuế đã trừ đi những cái Formosa bị phạt và còn hơn 10. 000 tỷ đồng hoàn thuế VAT.
Hơn 10.000 tỷ đồng nếu tính vào thời giá cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì nó tương đương với 500 triệu USD. Có nghĩa là chúng ta đã cho họ 500 triệu USD từ trước.
Người ta không thể không so sánh, việc vi phạm của Formosa, cả một tội tày đình như thế, cam kết bồi thường 500 triệu USD nhưng đến nay họ mới chỉ bồi thường có 1 nửa số tiền. Thế mà tiền miễn hoàn thuế nhà nước trả cho Formosa lại đúng bằng số tiền doanh nghiệp này phải bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: "Rốt cuộc Formosa đã đóng góp được gì cho Việt Nam mà được hưởng ưu đãi và hoàn thuế số tiền lớn đến mức như vậy?"
Con số đó thật sự rất phản cảm được đưa ra vào một thời điểm mà cả xã hội vẫn đang sục sôi về Formosa. Chính phủ vẫn còn hứa phải làm tiếp, Bộ TNMT hứa hết tháng 8 này sẽ công bố mức nguy hại tầng đáy biển như thế nào và biện pháp để khắc phục. Còn đối với người dân bị thiệt hại, cuộc sống của họ còn gặp khó khăn, ảnh hưởng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Từ trường hợp của Formosa có thể thấy rằng chúng ta đang dành quá nhiều những ưu đãi cho doanh nghiệp FDI. Rốt cuộc Formosa đã đóng góp được gì cho Việt Nam mà được hưởng ưu đãi đến mức như vậy?
Nếu so sánh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam thì thấy vô cùng tội nghiệp cho doanh nghiệp trong nước. Chỉ cần chậm nộp thuế một chút là bị truy thu, bị phạt tới nơi tới chốn. Không ai buông cho doanh nghiệp trong nước, dù chỉ là một lỗi sơ suất nhỏ, lỗi chứng từ thì cũng bị phạt rất nặng.
Formosa được hoàn thuế 13.000 tỷ: Con số biết nói
PV: Từ trường hợp của Formosa , có ý kiến cho rằng Việt Nam rải thảm đỏ để thu hút đầu tư FDI nhưng cuối cùng chúng ta chẳng nhận được gì nhiều mà vô hình chung gây mất công bằng, ép chết doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Bà có đồng tình với một mức độ nào đó với nhận định trên hay không? Theo bà, Formosa có phải là trường hợp cá biệt không hay còn nhiều ông lớn FDI khác cũng được hưởng lợi từ những ưu đãi này?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thực tế đúng là như vậy.
Việc chúng ta ưu đãi quá mức cho Formosa với quy mô lớn như vậy đã làm bật các nhà đầu tư đàng hoàng, uy tín ra. Dù vốn làm cùng ngành nhưng họ không thể nào có được điều kiện như Formosa nên buộc phải rút lui. Việc này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ngay giữa những doanh nghiệp nước ngoài với nhau. Và với trường hợp của Formosa, chúng ta đã nhận được một nhà đầu tư tồi. Tất cả thiết bị công nghệ là của Trung Quốc. Đằng sau Formosa , nhà thầu chính của họ là công ty MCC của Trung Quốc.
Đối với doanh nghiệp trong nước thì những ưu đãi với Formosa đã tràn lấn doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp thép của chúng ta thường xuyên kêu ca rằng nhà nước cho quá nhiều doanh nghiệp nước ngoài mới vào, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Với những cơ chế thuế và ưu đãi dành cho nước ngoài như vậy, sẽ càng gây thêm sức ép và sự thua thiệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước.
Thực tế thời gian qua, không chỉ mình Formosa mà nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nhận được những ưu đãi trên. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp FDI nào cũng xấu xí. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động vẫn rất tốt và có uy tín, được đánh giá cao.
Trở lại với Formosa, tôi cho rằng đây là trường hợp mà chúng ta ưu đãi nhiều nhất. Ngay cả đất đai cũng vậy. Formosa là trường hợp duy nhất được cấp đất lên tới 70 năm với một diện tích rộng và một vị trí đặc biệt. Thậm chí chúng ta chiều chuộng đến mức họ đòi trở thành một khu kinh tế riêng, muốn được Chính phủ trực tiếp quản lý, chứ không phải địa phương…
Thậm chí cách đây 1 vài năm trước Formosa còn xin được vay vốn của các ngân hàng trong nước và đã được chấp nhận. Tôi đã rất ngạc nhiên và thời điểm đó tôi cũng lên tiếng phản đối. Đầu tư nước ngoài thì mang vốn của họ vào chứ, họ lấy vốn từ trong nước của Việt Nam nó tước đi cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận vốn.
Đến bây giờ, tôi vẫn thấm thía câu nói của Công ty tài chính quốc tế IFC thuộc ngân hàng thế giới. Họ đã nói với Việt Nam từ cuối những năm 90 rằng miễn thuế quá nhiều, ưu đãi quá nhiều thuế cho đầu tư nước ngoài nghĩa là lấy của người nghèo cho người giàu. Sự thật đúng là như vậy.
PV: Nhận được nhiều ưu đãi, thế nhưng qua rà soát, kiểm tra, cơ quan thuế, hải quan đã phát hiện nhiều sai phạm của Formosa như: kê khai, áp mã hàng hóa (HS) chưa đúng với quy định hiện hành, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng…
Từ những vấn đề trên, Tổng cục Thuế đưa ra đề nghị xin ý kiến Thủ tướng kết thúc biện pháp hỗ trợ đối với Formosa Hà Tĩnh trước thời điểm 1/9/2016.
Theo bà, với kiến nghị của Tổng cục thuế, chúng ta có nên nghe theo hay không và vì sao?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của Tổng cục Thuế về việc dừng hỗ trợ đối với Formosa trước thời điểm 1/9/2016. Tôi chỉ hơi tiếc là lẽ ra nhìn vào tất cả quá trình bồi thường như vậy, Tổng cục Thuế phải có đề xuất sớm hơn chứ không phải là thời điểm bây giờ.
Điều thứ hai là tôi vẫn chưa rõ chính xác con số hoàn thuế cho Formosa rốt cục là bao nhiêu. Trong thông báo của Tổng cục thuế vừa công bố thì Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho Formosa đến năm 2015 là hơn 10.000 tỷ. Tuy nhiên báo chí lại dẫn lời Phó cục trưởng cục thuế của Hà Tĩnh khẳng định số tiền trên là 16.000 tỷ đồng.
Tôi còn một mối nghi ngờ lớn nữa là Tổng cục Thuế, đặc biệt là Cục Thuế Hà Tĩnh phải giải trình tiếp. Tại sao con số hoàn thuế lớn đến như thế. Nó là những cái gì cộng lại? Có phải chúng ta đã bồi thường quá mức cho họ hay không? Bởi lẽ trong quy định bồi thường chỉ nói là để bù cho những thiệt hại Formosa phải nhập khẩu lại thay thế máy móc bị đập phá, bị hỏng thời gian đó.
Có chăng việc bồi thường đó nó đã bị kéo dài ra quá để cho Formosa lạm dụng và các cơ quan, thí dụ như Hà Tĩnh vẫn nhắm mắt tiếp tục bồi thường tiếp. Có thể một số trường hợp như ở Thanh Hóa, Đồng Nai người ta khắc phục tương đối nhanh, trở lại hoạt động bình thường rồi, tại sao trường hợp Formosa Hà Tĩnh lại kéo dài đến như vậy?
Thực tế, thời điểm đó Formosa đòi hơn 5.000 tỷ đồng nhưng nhà nước kiểm tra lại thấy chỉ bị hư hỏng, thiệt hại có hơn 4 tỷ thôi. Cùng với hơn 68 tỷ đồng của các nhà thầu của Formosa, tổng cộng lại số tiền phải bồi thường chỉ là 72 tỷ. Thế thì tại sao cục thuế của Hà Tĩnh lại giải quyết đi hơn 10.000 tỷ. Cái đó tôi cho rằng chưa rõ, phải làm rõ hơn điều đó.
Tôi cho rằng việc chúng ta chấm dứt các hỗ trợ là đúng rồi nhưng mà phải xem lại khoản đã bồi thường quá mức. Nếu thừa ra thì nhà nước phải đòi về, phải truy thu lấy lại. Chứ không phải ngày 1/9 này không trợ cấp nữa thì những gì đã trợ cấp rồi bỏ qua, cho họ hết.
Từ vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta phải xem lại trách nhiệm của một vài việc.
Một là khi đưa ra chỉ thị cho phép bồi thường, không đưa ra thời hạn trong bao nhiêu lâu. Cái đó là một lỗ hổng cực kỳ lớn.
Hai là về phía Tổng cục thuế. Bây giờ phát hiện ra nhưng tôi cho rằng như vậy cũng là chậm. Ngoài ra, tổng cục thuế còn phải làm tiếp một việc nữa là xem lại số tiền tổng cộng đã bồi thường cho Formosa như vậy có đúng hay không? Cái gì chưa đúng thì phải truy thu tiếp. Vừa rồi Tổng cục thuế khi kiểm tra Formosa cũng có truy thu lại một số tiền do doanh nghiệp này khai gian.
PV: Đầu tư FDI hiện nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên thời gian qua, dư luận phàn nàn nhiều về việc chúng ta dành quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI dẫn đến việc bất bình đẳng, thiếu tính cạnh tranh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, theo bà chúng ta cần thay đổi chính sách đối với FDI như thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Bộ KH-ĐT khi làm báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng đưa ra những đánh giá, kiến nghị điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Trong đó Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh là đầu tư nước ngoài phải bình đẳng so với các doanh nghiệp trong nước. Hai là chúng ta phải kiểm soát họ thực hiện nghiêm các nghĩa vụ về thuế, môi trường…
Ba là tăng tác động lan tỏa của đầu tư nước ngoài bằng cách tác động để làm sao có được những cam kết về chuyển giao công nghệ hoặc mua sắm trong nước nhiều hơn thay vì mua của nước ngoài về. Bốn là tạo được hiệu ứng để lôi kéo doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.
Tôi đã nói nhiều lần rồi, đã đến lúc Việt Nam có quyền chọn đầu tư nước ngoài chứ không phải đi nài nỉ và kéo họ vào bằng mọi giá, ai vào cũng hoan nghênh nữa.
Chúng ta phải chọn doanh nghiệp nào có công nghệ tốt, đảm bảo về môi trường, có hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam góp phần vào tạo thuế giá trị gia tăng, tạo kết nối Việt Nam với môi trường nước ngoài. Cái đó chúng ta mới cần làm chứ không phải cứ nhiều tiền là cho nhận ưu đãi và kéo họ vào để cuối cùng phải trả giá bằng bao nhiêu thứ khác.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan!
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàn