Trong nước

Chuyện dựng tóc gáy, chưa từng biết đến về nạn đói Ất Dậu 1945

Miếng thịt bắp bò mà ông Phác mua về chính là thịt bắp chân của người chết.

Kỳ 1: Những chuyện đau thương rợn người ở 'vùng đất ma đói' Thái Bình

Kỳ 2 (kỳ cuối): Những chuyện kinh dị

Ông Trần Hùng, là người thôn Trình Nhì (xã An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình) đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tư liệu về lịch sử vùng đất, con người làng Trình Nhì, tức xóm chợ Huyện xưa, gắn với trận đói lịch sử Ất Dậu 1945.

Theo đó, mảnh đất xóm chợ Huyện (Tiền Hải, Thái Bình) xưa thuộc làng Trình Phả (sau này có phố, phường, chợ họp sầm uất nên chợ gọi là Trình Phố) – thuộc tổng An Bồi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Nơi đây đất đai trù phú, buôn bán thịnh vượng, trên bến dưới thuyền, thuận tiện đường giao thông thủy bộ, người từ mọi miền đất nước tìm về lập nghiệp sinh nhai. Trước thế kỷ 18, huyện lỵ Chân Định chọn nơi này làm thủ phủ nên chợ họp ở đây có tên là chợ Huyện.


Chợ Huyện ngày nay

Chợ Huyện làng Trình Nhì lớn nhất vùng, nơi giao thương buôn bán của nhân dân các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, thị xã Thái Bình… cho tới các huyện Xuân Trường, Giao Thủy (Nam Định), Vĩnh Bảo (Tiên Lãng – Hải Phòng).

Ngay trước cổng chợ là con sông có cầu gạch vắt qua, trên bến, dưới thuyền, sông sâu nước trong vắt.

Cụ Trần Duy Hứa người chợ Huyện, đã 88 tuổi, nhưng trí nhớ của cụ rất tuyệt vời. Cụ dẫn chúng tôi ra chợ huyện làng Trình Nhì, kể chuyện nạn đói năm Ất Dậu 1945.

Cụ Hứa cho biết, năm Ất Dậu cả nước mất mùa, dân không có gì ăn, lúc đầu còn có cháo gạo, cháo cám, cháo bỗng… sau đó gạo, cám cũng hết, đến củ chuối, rau sam, rau má, bèo bồng cũng không còn. Người từ quê đi tha phương, cầu thực các nơi, xóm làng xơ xác. Người tứ xứ lại tràn về chợ để ăn xin.


Cảnh chợ búa tiêu điều năm 1945 ở Thái Bình. Ảnh tư liệu

Trong chợ trộm cắp như rươi. Một người bán hàng thường phải có 1 – 2 người cầm gậy đứng canh. Vì đói quá nên nhiều dân nghèo bất chấp cả sinh mạng cứ lao vào cướp. Có người bóc tấm bánh chưa kịp đưa vào mồm thì đã bị cướp. Người cướp được thì cố đút bánh vào mồm, còn người bị cướp và người bán thì đè xuống giằng lại. Thế là xảy ra trận mưa gậy gộc, đấm đá lên thân xác chỉ còn da bọc xương. Máu, đất quyện những mẩu bánh vương vãi tứ tung.

Những cảnh chém, giết nhau, tranh ăn còn tàn bạo hơn cả thời Trung cổ. Cuối cùng, người cướp và người bị cướp cũng đều chết vì đói cả.

Thời đó, một số gia đình khá giả trong làng, trong khu vực chợ Huyện đã nấu cháo phát chẩn cứu đói nhưng không xuể, người chết nằm còng queo khắp chợ, dọc đường, sát bờ sông. Có những trẻ nhỏ cố mút đầu vú lạnh ngắt của người mẹ đã chết từ bao giờ.

Nơi đây từng là bãi tha ma chôn người chết đói quanh chợ Huyện

Lúc đầu còn có chiếu bó cho người chết và họ được những người còn khỏe khênh ra bãi tha ma của làng để chôn. Nhưng sau vì có nhiều người chết quá, đưa đi chôn không xuể, nên người ta đào hố sát bờ sông, quanh chợ, rồi lấp vội đất lên.

Làng Trình Nhì khi đó có gia đình cụ Nhất Lược, buôn mật mía, mật ong, nổi tiếng đức độ, hay cứu giúp người nghèo. Khi thấy người trong làng bị chết đói, cụ Nhất Lược đã mua chiếu cấp cho gia đình người mới mất.

Lúc đầu một người chết được bó 2 lá chiếu, nhưng sau chỉ được một lá, nên kín đầu lại bị hở chân. Ngày ấy có chuyện, người được thuê mua chiếu và đem chôn người chết, nhưng khi đem chôn thì lại tháo chiếu ra bán để kiếm lời.

Trước năm 1945, dân chợ Huyện có gần 2.000 nhân khẩu, nhưng nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu đã cướp đi tới 70% dân số trong xóm. Cả xóm chợ có gần 50 gia đình chết không còn một ai.


Ông Trần Duy Hứa chỉ khu vực bờ sông sát chợ Huyện, nơi chôn nhiều người chết đói

Gia đình ông Trương Ry chết 8 người. Gia đình ông Phan Giá có 7 người, thì cả 7 người đều chết. Gia đình ông Đồ Thực chết mất 10 người. Gia đình ông Phan Hạnh có 13 người thì cả 13 người đều chết. Gia đình ông Trần Duẩn, ông Đồ Tỵ, ông Đồ Trâm… đều chết hết.

Nhiều người chết phải chôn ngay trong vườn nhà vì người sống không còn đủ sức để kéo xác đi chôn ở nơi khác. Gia đình ông Trương Ry chết không còn người nào, xác tự thối rữa ở trong nhà, mùi thối bốc lên, dân làng mới biết.

Để đưa được những xác chết đã bị thối ở trong nhà ra ngoài, người ta phải dùng tro rơm, rạ, trải ra nền nhà rồi lăn xác người chết qua tro, sau đó mới dùng chiếu bó lại đem đi chôn.

Bờ sông chảy qua chợ Huyện vốn rất thơ mộng, bỗng nhiên trở thành nơi chôn xác của hàng trăm người chết đói. Xung quanh ngôi miếu Bách Linh (miếu này nay không còn) la liệt hố chôn người tứ xứ bị chết đói ở chợ.


Ảnh tư liệu nạn đói Ất Dậu

Theo lời cụ Hứa, vì có nhiều người chết đói, nên cả khu chợ và đường làng mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, ruồi nhặng, chuột bọ nhiều vô kể. Những xác chết chưa kịp chôn bị chuột bâu vào khoét mắt, gặm cụt tai, mũi, ngón tay, ngón chân.

Ông Chén, người xóm chợ bảo rằng, vì được chứng kiến thảm cảnh đau xót này, nên ông không dám động đến món thịt chuột, dù người Thái Bình đều ăn món này.

Dân làng quá sốc trước cảnh đói kém, người chết đói nằm la liệt trong khu chợ Huyện, nên ban ngày ai có việc không đừng được mới ra ngoài, vừa đi vừa chạy như sợ ma đói đuổi. Ban đêm cả làng vắng lặng như tờ, dẫu chó có còn sống thì cũng không còn sức để sủa. Thi thoảng, vang đầu xóm, cuối xóm có tiếng khóc yếu ớt vọng ra. Nhà nhà cửa kín then cài, thấp thỏm lo ma đói, lo sợ cướp đến đập cửa.

Cụ Trần Duy Hứa, chỉ vào chỗ những lùm cây xanh cạnh nơi từng có miếu Bách Linh, bảo rằng, vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, giữa lúc dân làng đang mất mùa, đói kém thì bão gió, mưa to, đê vỡ, sông nước dâng cao, bào mòn đất cát, làm lộ la hàng trăm xác chết, vì chôn quá nông. Hàng ngàn con quạ về đậu kín ở cây đa, cây gạo, kêu vang tai nhức óc.

Nước tràn vào chợ, rồi rút đi, bào mòn đất cát, khiến chân, tay người chết thò lên mặt đất. Những người sống có việc phải đi qua con đường này nhìn thấy cảnh tượng đó, có cảm giác như ma đói giơ tay bắt mình. Những người yếu bóng vía thì hoảng hốt, vắt chân lên cổ mà chạy. Vì thế, mới có chuyện ma đói bắt người sống lan truyền thời đó.

Cụ Trần Duy Hứa kể: “Năm Ất Dậu, tôi vừa tròn 18 tuổi. Một hôm, mẹ bảo tôi đi cùng ông Mã Phác, lái buôn người miền núi về đây bán quế, xuống chợ Đức Cơ để mua muối. Tôi cùng ông đi tắt cánh đồng xã Tây Giang, tránh đi đường chính vì sợ bị cướp và gặp nhiều người chết đói.

Khi đi qua ngôi miếu âm hồn ở giữa cánh đồng, tôi sững người vì nhìn thấy ba mẹ con người ăn mày vẫn thường tới xin ở chợ huyện nằm ôm nhau mà chết ở ngay cửa miếu.

Tới chợ Đức Cơ, tôi thấy người chết đói nằm la liệt từ ngoài cửa chợ cho tới trong chợ. Mua muối xong, tôi quay lại chỗ ông Mã Phác ngồi bán quế.

Ông dẫn tôi tới hàng thịt bò, chọn mua một miếng thịt. Thịt bò được thui đốt vàng ươm trông thật hấp dẫn.

Về đến nhà tôi, ông Phác mượn dao thớt, nồi gang để nấu thịt. Khi ông đang thái thịt bò ở bờ ao thì mẹ tôi ra đứng xem. Bà gọi tôi vào trong nhà. Bà thì thào: "Con không biết đấy thôi, họ lừa người mua đấy. Miếng thịt bắp bò mà ông Phác mua về chính là thịt bắp chân của người chết đấy. Nếu thịt bắp bò thì da phải dầy, khó thái. Đằng này thịt mềm dễ thái mà da mỏng dính, không phải thịt bắp chân người chết bị cắt ra đem thui thì còn là thịt gì nữa. Nghe mẹ nói vậy, tôi vội kiếm cớ vào buồng đóng chặt cửa không dám ra nhà ngoài. Khi thịt chín, ông Phác gọi ra ăn, tôi nằm im giả vờ ngủ mà không dám lên tiếng".

Nói đến đây, cụ Hứa đứng nhìn xa xăm về phía bờ sông. Dường như những ký ức đau buồn thời Ất Dậu đang tràn ngập trong lòng cụ.

Ngày 23/7/1945, mặt trận Việt Minh và Chi bộ Đảng làng Trình Nhì đã tổ chức biểu tình ở chợ Huyện để tuyên truyền chống phát xít Nhật, chuẩn bị tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân “cướp” các kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân. Vụ chiêm năm 1945 được mùa. Trong giai đoạn này lại xảy ra những cái chết thương tâm, chết không phải vì đói, mà chết vì ăn no, bội thực và dịch bệnh.

Cụ Trần Duy Hứa kể: “Tuy số người chết vì ăn no không nhiều như chết đói nhưng cũng rất thương tâm. Khi được phát gạo, hoặc gặt lúa về, có những người rang gạo lên ăn, hoặc ăn gạo sống. Ăn xong thì lại uống nước khiến bụng trương phềnh lên rồi chết. Có người vì ăn cơm quá nhiều nên bị bội thực mà chết. Mặt khác, vì môi trường sống bị ô nhiễm quá nặng nề, dịch tả lan truyền dẫn đến nhiều người bị nhiễm bệnh mà chết".

Tác giả bài viết: Đặng Hùng - Hải Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP