Sự nghiệp không quá lẫy lừng nhưng khi Đức Thắng được chọn ngồi “ghế nóng”, rất nhiều người ủng hộ. Đơn giản bởi ngoài sự thân thiện, trách nhiệm với công việc - Đức Thắng còn được biết đến bởi ý chí, lòng quyết tâm để vượt lên cái khó. Ngày 27/10 chắc chắn là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Đức Thắng, bởi từ một cậu bé bán nước chè năm nào, nay anh đã là HLV trưởng của đội bóng lừng danh SLNA.
Nguyễn Đức Thắng sinh năm 1977, tại xã Giang Sơn, huyện Đô Lương. Bố làm công nhân cầu đường, còn mẹ công tác ở công ty dược nên sau đó, gia đình Đức Thắng chuyển xuống Vinh sinh sống. Nhà đông con, bố mẹ lại không làm ra được nhiều tiền nên tuổi thơ của Đức Thắng và 4 người chị em khác gặp rất nhiều khó khăn.
Tân HLV trưởng SLNA, Nguyễn Đức Thắng (Ảnh: L.G).
Khi đang còn là một cậu học sinh, Đức Thắng đã từng phải đi bán nước chè vào mỗi buổi tối ở rạp chiếu phim, còn buổi ngày thì tranh thủ đi phụ hồ cho các công trình xây dựng trên địa bàn TP.Vinh. Tuổi thơ với những khó khăn, vất vả nên Đức Thắng luôn ước mơ, làm được một cái gì đó, để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo.
Cơ duyên đó cũng đến khi năm học lớp 11, Đức Thắng có thấy cán bộ Trung tâm đào tạo huấn luyện Thể dục thể thao về trường thông báo tuyển VĐV bóng chuyền. Với chiều cao lý tưởng (1m82) và đam mê môn thể thao này từ nhỏ nên Đức Thắng đã đăng ký tham gia.
Khi xuất hiện với chiều cao vượt trội, Đức Thắng đã ghi điểm. Sau đó, chỉ cần nhìn vài qua đường bóng, lãnh đạo của Trung tâm đào tạo huấn luyện Thể dục thể thao đã nhận vào biên chế của trung tâm. Khăn gói lên trung tâm để học, Đức Thắng mừng vui khôn xiết, bởi từ đây, giấc mơ thoát nghèo đã gần hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có những cơ duyên khác mà khi nuôi giấc mơ đổi đời từ một VĐV bóng chuyền, Đức Thắng có lẽ cũng không thể nghĩ tới.
Chuyện là Trung tâm đào tạo huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An nằm sát bên cạnh Đoàn bóng đá Sông Lam. Vốn cũng yêu thích bóng đá nên tranh thủ thời gian rảnh, Đức Thắng vẫn ghé qua sân Vinh xem SLNA tập luyện. Nhìn thấy chiều cao lý tưởng của Đức Thắng, Trưởng đoàn bóng đá Sông Lam lúc này là ông Nguyễn Hồng Thanh “kết” ngay. Chính ông Nguyễn Hồng Thanh (Tổng giám đốc điều hành bóng đá SLNA) là người đặt vấn đề và đưa Đức Thắng về “lò” Sông Lam để thử việc.
Tập luyện ở lớp năng khiếu 1 năm, Đức Thắng được đưa lên đội 1 SLNA từ cuối năm 1995. Thời gian đầu, Đức Thắng bắt dự bị cho Quốc Trung và sau đó trở thành thủ môn số 1 của SLNA từ mùa giải 1998. Thân hình cao to vượt trội, nên đồng đội đặt cho anh biệt danh Thắng “khủng long”. Nhờ chơi tốt trong màu áo SLNA, Đức Thắng từng được triệu tập Olympic Việt Nam tham dự Cúp Độc Lập và một số giải đấu khác trong năm 1999. Năm 2004, Đức Thắng theo “thầy” Nguyễn Hồng Thang ra đầu quân cho HN.ACB.
Tân HLV SLNA Đức Thắng một thời là thủ môn của đội tuyển Olympic Việt Nam và SLNA (Ảnh: L.G).
Thời điểm ấy, lót tay mà đội bóng Thủ đô trả cho Đức Thắng là 150 triệu đồng, một số tiền tương đối lớn với một thủ môn. Tuy nhiên, nhiều người còn nể Đức Thắng ở chỗ, anh từ chối lót tay 250 triệu của Đà Nẵng để giữ trọn lời hứa với người thầy Nguyễn Hồng Thanh.
Năm 2009, khi Ngân hàng Bắc Á tiếp quản SLNA và đưa ra lời mời, Đức Thắng đã khăn gói trở về quê hương. Anh tiếp tục thi đấu cho đội bóng quê hương thêm 3 năm nữa, trước khi chuyển sang làm trợ lý cho HLV Nguyễn Hữu Thắng và sau này là HLV Ngô Quang Trường.
Theo chia sẻ, ngoài bằng A, B, C về HLV, Đức Thắng hiện nay còn có bằng thể lực, bằng nâng cao của FIFA, bằng HLV thủ môn cấp 1, cấp 2. Anh trở thành một trong những người có bằng cấp tốt nhất của SLNA hiện nay.
Ý chí, nghị lực đã tạo nên một Đức Thắng ham học hỏi và từ xuất phát điểm không được như nhiều bạn bè cuùng trang lứa khác, nhưng Đức Thắng đã có được thành công như hôm nay. Dẫu biết rằng, thách thức đang còn ở phía trước nhưng nhiều người tin rằng, từ trong những gian nan, vất vả, Đức Thắng đã đúc kết cho mình được những bài học quý và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn ở phía trước.
Tác giả bài viết: LG-ND
Nguồn tin: