Ngọt ngào và man trá ra mắt khán giả năm 1996. Đây là bộ phim cuối cùng và cũng là bộ phim còn dang dở của nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh trước khi rời xa cõi tạm.
Tự trải nghiệm để đóng vai điên
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần "chọn mặt gửi vàng" mời bằng được Lê Công Tuấn Anh vào vai chính, ông bảo chỉ có Lê Công mới đóng được. Phần vì có gì đó trong người Lê Công vốn hơi điên, hơn thế nữa còn nhập vai rất giỏi.
Trong con mắt của đạo diễn, Lê Công là một diễn viên tài năng, một người làm nghề nghiêm túc. Dù Lê Công khá tự do, uống rượu nhiều nhưng chưa một lần sai lịch hay kế hoạch làm việc của đoàn.
Một mình Lê Công vào hai vai, vừa là người em bị bệnh tâm thần vừa là người anh song sinh khôi ngô tuấn tú. Anh đã thể hiện sự quyết tâm nhập vai khi tự trải nghiệm cuộc sống của các bệnh nhân trong trại tâm thần.
Diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Ảnh: Tư liệu
“Lần đầu tiên, khi đoàn làm phim sang nhà Bệnh viện tâm thần Hà Nội ở Sài Đồng, Lê Công được cắt tóc và mặc quần áo bệnh nhân. Cậu ấy vào ở chung phòng, sinh hoạt với những bệnh nhân ở đó, họ (bệnh nhân tâm thần) nhanh chóng coi anh ta là một người điên như mình" - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại.
"Lê Công nói chuyện với những người điên vui lắm. Họ chào hỏi, làm quen 'mày mới vào à ?'. Họ cũng rất yêu quý cậu ấy, người đọc thơ, người hát cho Lê Công nghe. Khi được huy động đóng vai quần chúng cùng Lê Công họ rất hào hứng, thú vị, coi đó là một trò chơi của những người bạn thân thiết. Thế là Lê Công ở luôn trong đó; cậu ấy bảo, 'thôi chú đi ăn cơm đâu thì đi, con ở đây chơi với mọi người'".
Một câu chuyện khiến đạo diễn Ngọt ngào và man trá nhớ mãi. Có một cảnh Lê Công diễn rất “điên” khiến cho một bệnh nhân bị nhốt ở “phòng con” (phòng nhỏ dành cho bệnh nhân bị kích động mạnh) ngoắc tay gọi Lê Công đến gần và ghé tai qua ô cửa nhỏ bảo “Anh đừng làm giống quá, người ta giam anh vào đây đấy!”.
Một cảnh trong phim Ngọt ngào và man trá. Ảnh: Chụp màn hình
Suốt khoảng thời gian Lê Công ra Hà Nội quay phim, anh ở nhà của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nên ông đã có cơ hội để hiểu hơn về cuộc đời, tính cách của nam diễn viên. Dù chênh lệch tuổi tác, giữa anh chàng diễn viên miền Nam và vị đạo diễn miền Bắc luôn có sự gần gũi, yêu thương nhau.
Ông tâm sự Lê Công Tuấn Anh rất tình cảm, rất đáng yêu. Anh thương người nghèo, những đứa trẻ cơ nhỡ. "Trong đời Lê Công đã có mấy năm ở trường giáo dưỡng nên cậu ấy có những người bạn cùng hoàn cảnh. Mỗi lần gặp lại những người bạn này, Lê Công sẵn sàng đi chơi vài ngày với họ," đạo diễn của Ma làng nhớ lại.
Lê Công Tuấn Anh - Người nghệ sĩ vô cùng cô đơn
Có một điều khiến NSND Nguyễn Hữu Phần vẫn canh cánh trong lòng đó là nỗi đau của người không gia đình khiến Lê Công Tuấn Anh luôn cảm thấy rất cô đơn. Và theo ông, chính sự cô đơn là nguyên nhân chính lý giải cho sự vội vã ra đi của người nghệ sĩ khi sự nghiệp đang trong thời kỳ đỉnh cao ở tuổi 29.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ với phóng viên Zing.vn. Ảnh: Dương Bích Thúy
Đạo diễn kì cựu ngậm ngùi: “Hôm cậu ấy ra đi, cũng là ngày tôi vào TP HCM có việc gì đó. 11h30 tôi vào đến 13h00 thì nhận được tin dữ… Tôi lao đến bệnh viện..".
Ngày đưa tang, đại diện cho nghệ sỹ phía Bắc đạo diễn Hữu Phần đọc điếu văn trước linh cữu (gọi Lê Công là em, xưng anh và kể những kỷ niệm giữa hai anh em). Nhiều người có mặt hôm đó đã khóc, sau đó báo chí cũng đăng lại. “Tôi đã viết điếu văn này bằng tất cả tình cảm của mình và chia sẻ với cậu ấy: “…Em mất đi giữa tuổi ba mươi, trong lúc sự nghiệp của em đang rất tốt đẹp, đầy triển vọng… Nhưng sự sống trên đời này đâu tính bằng năm tháng, mà bằng những gì ta làm được cho đời…”- giọng ông chùng xuống.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trên phim trường. Ảnh: NVCC
“Cha đẻ” của Em còn nhớ hay em đã quên trải lòng: “Giá mà Lê Công sống ở miền Bắc thì tốt vì cậu ấy rất thích mối quan hệ bạn bè, rất thích giao lưu, trò chuyện. Trong Nam uống rượu nhiều, ồn ào nhưng không có bạn tâm giao. Khi Lê Công mất, có một nhà báo hỏi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về anh. Trịnh Công Sơn từng nói: “Tôi chỉ gặp Lê Công Tuấn Anh có một lần khi ra mắt bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã nhận ra đây là một người rất nghệ sỹ và vô cùng cô đơn”.
“Tôi cho rằng, đó là nhận xét đúng nhất của Sơn. Tôi giải thích cái chết của Lê Công là người quá cô đơn chứ không giải thích là vì Minh Anh hay là ai đó phản bội. Cậu ấy cô đơn đến mức không thể chịu đựng được” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể lại.
Tác giả bài viết: Dương Bích Thúy
Nguồn tin: