Tiền nhiều, rủi ro lớn
“Chiếc xe cub chỉ chạy được 50km/h thì đừng cố chạy lên đến 100 km/h”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ.
Theo ông Thành, “nếu đi thong dong 40 km/h thì kiểu gì cũng đến nơi. Còn chạy quá tốc độ này là bị nóng máy, rơi bánh, xe có thể lao xuống đường, xuống ruộng”.
Ông đúc kết: “Như thế là rất nguy hiểm. Quan trọng là đến nơi chứ không phải bị lao xuống ruộng”.
Hình ảnh chiếc xe cub được vị viện trưởng VEPR đề cập trong câu chuyện là để nói về con đường đi đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016.
Tăng trưởng GDP 6,7% là một mục tiêu đầy tham vọng khi mà 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,52%. Muốn “về đích” ở mức 6,7%, 6 tháng cuối năm GDP phải tăng tới 7,6% - điều mà các chuyên gia đánh giá là “rất khó”.
“Mức tăng trưởng 6% là tốt rồi. Nếu tiếp tục tăng trưởng nóng sẽ đẩy bất ổn vĩ mô lên. Khi bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng vọt thì phải hy sinh tăng trưởng. Rất đau đớn.”, TS Thành nói và nhắc đến bài học của năm 2008, “Chúng tôi cảnh báo đừng quên bài học từ 2008. Lạm phát tăng lên thì phải thắt chặt tiền tệ, và chi phí bỏ ra sẽ rất lớn”.
Nghiên cứu của VEPR, một lượng tiền tệ cung ứng ra thị trường đã tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm nay. Tổng lượng tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng đã tăng 8,07% so với thời điểm cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đó .
Theo các chuyên gia, khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là khó tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chı̉nh giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền đang có xu hướng được điều chı̉nh tăng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm.
Do vậy, VEPR tiếp tục khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp.
“Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây”, chuyên gia của VEPR cảnh báo.
Những bài học chưa cũ
Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh điểm thêm rủi ro bất ổn vĩ mô từ góc độ khác, đó là giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 618,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 229,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng vốn, và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp nhất so với 2 khu vực khác là khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vì vậy, những yêu cầu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được đưa ra. Đánh giá chủ trương này, TS Vũ Đình Ánh cho rằng đến thời điểm này tổng vốn đầu tư đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu đẩy tiếp vốn đầu tư nhà nước, thì đầu tư sẽ tăng vọt nhưng tăng trưởng không theo kịp. Khi đó trả giá bất ổn vĩ mô là chắc chắn.
Theo kinh nghiệm ông Ánh, bao giờ đầu năm tốc độ giải ngân cũng thấp, cho nên đầu tư dồn dập vào cuối năm. Vì thế, ông Ánh chia sẻ, “Kinh nghiệm những năm trước, cứ đến cuối năm là lạm phát tăng 1-2% /tháng vì họ dồn đầu tư vào dịp này, đẩy vốn ra ồ ạt nên lạm phát tăng lên”.
Nếu bơm tiền vào các dự án không hiệu quả sẽ gây ra nhiều hậu quả. Ảnh: L.Bằng
Sau khi có Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ “siết chặt” vốn đầu tư công, tình hình đã khác. Nhưng theo TS Ánh, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có thể không đẩy được tăng trưởng tăng tương ứng với lượng đầu tư bỏ ra. Trái lại bất ổn vĩ mô sẽ xảy ra và phải trả giá lớn hơn rất nhiều.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trong bối cảnh tình hình hiện nay, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% là hết sức khó khăn, do không còn dư địa hoặc rất khó khăn trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Nếu thực hiện nới lỏng cách chính sách tiền tệ, tài khóa trong các tháng cuối năm có thể kích cầu tăng trưởng, tuy nhiên cơ quan này dự báo “sẽ có các tác động bất lợi tới lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định”.
“Các tác động này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và các năm tiếp theo”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan ngại.
Tác giả bài viết: Lương Bằng