Sau nhiều đốc thúc từ phía các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ vừa hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Thay vì dự kiến dùng một luật sửa 12 luật liên quan với 89 điều, tờ trình đưa tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/10 đã rút gọn lại, còn sửa đổi 18 điều tại 3 luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng.
Dự luật cũng đưa bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết trong danh mục đầu tư kinh doanh; hợp nhất 25 trường hợp vào 7 ngành, nghề; chuẩn hoá tên gọi 36 và bổ sung 12 ngành, nghề khác. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 (giảm 49 so với danh mục hiện hành).
Dù là người ủng hộ dự luật này với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự không hài lòng khi đọc tờ trình dự thảo Luật của Chính phủ. “Đọc dự thảo luật Chính phủ trình tôi rất thất vọng”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Thay vì dự kiến dùng một luật sửa 12 luật liên quan với 89 điều, tờ trình đưa tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/10 đã rút gọn lại, còn sửa đổi 18 điều tại 3 luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng.
Dự luật cũng đưa bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết trong danh mục đầu tư kinh doanh; hợp nhất 25 trường hợp vào 7 ngành, nghề; chuẩn hoá tên gọi 36 và bổ sung 12 ngành, nghề khác. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 (giảm 49 so với danh mục hiện hành).
Dù là người ủng hộ dự luật này với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự không hài lòng khi đọc tờ trình dự thảo Luật của Chính phủ. “Đọc dự thảo luật Chính phủ trình tôi rất thất vọng”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo chưa đưa ra được những điều khoản cần thiết phải sửa để tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển. Ảnh: VPQH
Chia sẻ với sức ép của Chính phủ, nóng lòng muốn sửa đổi, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng phân tích những điều được đề nghị sửa đổi liên quan tới Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng... Chủ tịch Kim Ngân cho rằng, đây chủ yếu là những quy định thủ tục hành chính, không nhất thiết phải sửa luật mới thực hiện được.
Đơn cử, Điều 19 của Luật Đầu tư, Chính phủ quy định các hình thức hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đến nay lại chưa có hướng dẫn, trong khi luật đã có hiệu lực từ 1/7. Dự luật mới này chỉ đề cập đến việc gộp 25 ngành nghề, hay quy định trao quyền cho UBND cấp tỉnh cấp phép đối với công trình đặc biệt (hiện nay là thẩm quyền của Bộ Xây dựng)… "Những đề xuất sửa này đều là những nội dung chưa đến mức cháy nhà, chết người", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, tính chất của các điều luật đưa ra sửa chưa thực sự là những rào cản, nếu sửa sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp.
“Dự luật chưa đưa ra được những điều khoản cần thiết sửa. Tôi đọc các điều khoản trong dự án luật thì chưa thấy là sẽ tạo động lực mới cho đầu tư, kinh doanh. Tôi thấy thực sự không yên tâm khi trình ra Quốc hội với nội dung như hiện nay”, Chủ tịch Kim Ngân nói và cho biết sẽ trao đổi lại với Thủ tướng về vấn đề này tại cuộc họp liên tịch chiều cùng ngày.
Những quy định về thủ tục hành chính vướng mắc cho doanh nghiệp, Chủ tịch Kim Ngân yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Thủ tướng ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, dự án luật đã chuẩn bị khá công phu, song ông vẫn không khỏi băn khoăn khi hồ sơ không có ý kiến phản hồi của các đối tượng đã lấy ý kiến. Đây cũng là băn khoăn của Trưởng ban Dân nguyện - Nguyễn Thị Thanh Hải. Đề cập báo cáo thẩm tra, bà Hải cho rằng, dự thảo chưa nêu rõ đánh giá tác động nếu chưa thông qua tại kỳ họp này.
“Lý do để sửa luật nêu trong tờ trình không mới, và có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đồng ý tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ trình tự xây dựng luật, phải thể hiện được tính cấp thiết”, Trưởng ban Dân nguyện nói.
Giải trình trước nhiều ý kiến băn khoăn và câu hỏi đặt ra từ các thành viên thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng nhắc lại mục đích xây dựng dự thảo xuất phát từ chủ trương của Chính phủ: cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cạnh tranh, cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài… cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Dũng cũng khẳng định, để ra được dự thảo luật cuối cùng trình thường trực Quốc hội, ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến phản biện từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội… những đối tượng chịu tác động chính.
Thừa nhận với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, rằng “nếu chưa sửa thì cũng không cháy nhà”, song người đứng đầu ngành kế hoạch cũng nhấn mạnh, nếu không sửa thì sẽ không tạo thành động lực lớn cho phát triển của doanh nghiệp, kinh tế. “Nếu sửa luật thì quá tốt với doanh nghiệp, nhưng không sửa cũng chưa chết ai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trước ý kiến giải trình thêm của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, các thành viên thường vụ Quốc hội đều thống nhất hồ sơ dự thảo luật Chính phủ trình chưa chắc và đầy đủ đánh giá tác động với các đối tượng điều chỉnh, thì nên rút để có sự chuẩn bị kỹ hơn.
Nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội là ủng hộ Chính phủ, cùng chung lưng đấu cật giải quyết khó khăn của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại quan điểm, quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian, chất lượng… chưa đảm bảo và những quy định đề nghị sửa trong dự luật chưa thật cấp bách. Chưa kể, 3 luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng mới có hiệu lực hơn một năm, thực tế thực hiện chưa phát sinh vướng mắc quá lớn.
“Nếu không xem xét thận trọng, không kéo sửa rồi không những không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, còn gây nên cản trở mới, tạo xung đột pháp lý”, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói và thống nhất quan điểm của thường vụ, chưa trình dự luật này ra kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV và đề nghị Chính phủ hoàn thiện lại hồ sơ…
Riêng với danh mục bỏ 36 ngành nghề, điều kiện kinh doanh, thường vụ Quốc hội yêu cầu nếu Uỷ ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát, thống nhất kịp thì sẽ đưa ra trình tại kỳ họp 2 Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/10 tới.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài