Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Cùng quy định, sao tỉnh này làm tốt mà tỉnh kia lại không?

"Thực tế có những nơi cán bộ còn né tránh, đùn đẩy. Cũng là luật, nghị định, thông tư nhưng sao tỉnh A làm tốt, tăng trưởng, thu ngân sách đều tốt, nhưng tỉnh B lại không phát triển" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng nav 1/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang và kết nối 3 đầu cầu TP Ngã Bảy, huyện Châu Thành, Châu Thành A.

Không để đùn đẩy, không giải quyết công việc

Cử tri đánh giá cao kết quả đã đạt được của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV hoàn thành kế hoạch đề ra. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đặc biệt, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Các cử tri chúc mừng ông Trần Thanh Mẫn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri Đặng Văn Nuôi bày tỏ: "Cử tri tin tưởng, vui mừng trước kết quả kỳ họp thứ 7 đã đạt được. Nhân dân phấn khởi trước sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Quốc hội, đặc biệt là giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội mà thời gian qua người dân quan tâm cũng như đưa ra các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát hiệu quả".

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo về kết quả của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo đó các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi.

Đặc biệt, kỳ họp này cho thấy sự làm việc tích cực của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự chuẩn bị của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, trong đó, đã khắc phục được việc tài liệu chậm gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp này cũng có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện, cải tiến công tác chất vấn và trả lời chất, quan tâm đến điều kiện, công tác bảo đảm, thông tin tuyên truyền, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ 1/7, có 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, đặc biệt có nhiều luật liên quan trực tiếp nhiều đến nhân dân như: Luật Căn cước 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giá 2023…

Thông báo với các cử tri về kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của tỉnh Hậu Giang, cho rằng, tình hình 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục quán triệt nghiêm, thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn phải gắn liền với từng cá nhân và tập thể.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Chủ tịch Quốc hội mong muốn mỗi cá nhân, gia đình góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến địa phương phải quyết tâm, quyết liệt trong công việc để có những kết quả cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

"Thực tế có những nơi cán bộ còn né tránh, đùn đẩy. Nhiều địa phương trong cả nước phát triển, nhưng cũng có những địa phương dậm chân tại chỗ. Cũng là luật, nghị định, thông tư nhưng sao tỉnh A làm tốt, tăng trưởng, thu ngân sách đều tốt, nhưng tỉnh B lại không phát triển. Vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội có một đoàn giám sát cùng với Chính phủ rà soát hết những quy định, nhìn chung không có vướng mắc và vướng nhất lớn nhất là do khâu tổ chức thực hiện", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư/doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng nắm bắt thông tin không kịp thời, không báo cáo, đùn đẩy công việc, không giải quyết công việc thuộc trách nhiệm. Doanh nghiệp mong công tác cải cách thủ tục hành chính nhanh, đơn giải...

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật.

Giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường

Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri đã đạt câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực như hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở nhưng đã bị xuống cấp; cần có cơ chế chính sách đặc thù cho 3 tỉnh Hậu Giang, Đắk Nông, Điện Biên và nhiều nội dung liên quan đến đời sống của người dân.

Cử tri đặt câu hỏi

Cử tri Lê Thị Ánh Vi, TP Vị Thanh quan tâm đến đặc thù của giáo viên cấp học mầm non, chịu nhiều áp lực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho nhà giáo cấp học mầm non được nghỉ hưu khi 55 tuổi.

"Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Mong cơ quan của Quốc hội lưu ý, tiếp thu ý kiến cử tri trong quá trình thẩm tra và phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá cụ thể chế độ nghỉ hưu đối với đối tượng này"- cử tri Lê Thị Ánh Vi nói.

Quan tâm đến giá điện, cử tri Nguyễn Thanh Điền, TP Vị Thủy đặt câu hỏi: "Đây là một nguồn năng lượng có ảnh hưởng đến tất cả các chi phí của các mặt hàng khác. Tại sao giá điện tăng mà ngành điện lực lại lỗ? Quốc hội có kế hoạch gì để ổn định giá điện và đặc biệt là các cấp bậc không còn phù hợp?"

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề cử tri nêu đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, theo dõi, giám sát trong thời gian qua. Năm 2023, UBTVQH đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, theo đó, Đoàn giám sát đã nhận định giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường; các tín hiệu thị trường trong khâu phát điện và truyền tải điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện.

Về kiến nghị của các cử tri liên quan đến việc chưa có hướng dẫn xử lý số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề này dẫn đến nợ bảo hiểm ngày càng tăng cao nhưng không có cơ sở để giải quyết đối với các đơn vị này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó đã quy định việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền hưởng BHXH là các hành vi bị nghiêm cấm, cùng các chế tài xử lý các hành vi này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội giao Chính phủ sắp tới trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Tại Nghị quyết số 100 của Quốc hội về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, vấn đề này cũng đã bàn nhiều lần lần này. Ông tin tưởng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ giải quyết được những ý kiến của cử tri đặt ra hôm nay.

Tác giả: Lê Tuyết

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP