Gần một tuần qua, chính quyền các cấp ở TP Cần Thơ tiến hành các thủ tục xác nhận "liệt sĩ" còn sống cho ông Trương Văn Chóng, quê xã Định Môn, huyện Thới Lai. Đây là chuyện khá hy hữu khi chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế, được xác định đã hy sinh ở chiến trường Campuchia từ 33 năm trước nay lại trở về bằng xương bằng thịt.
Trò chuyện với Zing.vn về việc xử lý như thế nào về các chế độ liệt sĩ đã cấp cho người thân của ông Chóng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến của Bộ.
Ông Trương Văn Chóng. Ảnh: Nhật Tân. |
"Việc chính ở đây là ông Chóng từng được xác định 'liệt sĩ', bây giờ trở về là quá mừng. Ông Chóng đi làm nghĩa vụ quốc tế, gặp tình huống đó mà bây giờ tính toán gì nữa, tiền không còn quan trọng nên không thể thu hồi chế độ liệt sĩ đã chi. Việc này cần xử lý nhân văn", ông Thống chia sẻ.
Cùng quan điểm với ông Thống, một lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cũng nói rằng nếu ông Chóng không là liệt sĩ thì cũng có chế độ thương binh vì bị thương khi làm nhiệm vụ quốc tế. Về đạo lý, trong trường hợp này các chế độ đã cấp cho ông Chóng và gia đình là không thể thu hồi.
Với góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nêu quan điểm: "Ông Chóng từng được xác nhận là liệt sĩ, trong trường hợp này lỗi không thuộc về bản thân ông và gia đình, bởi vì giấy báo tử trước đó do cơ quan chức năng cấp và thông báo về việc ông đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế. Trên cơ sở đó đã giải quyết cho người thân của ông về quyền lợi có liên quan".
Theo luật sư, việc ông mất tích một thời gian dài là yếu tố khách quan, ngoài ý muốn của người đã thụ hưởng chế độ chính sách do ông đã "hy sinh ".
Phiếu chi chế độ liệt sĩ cho ông Chóng và bà Nía là người thụ hưởng. Ảnh: Nhật Tân. |
Trong quá trình giải quyết hậu quả của vấn đề này, các ngành chức năng nên cân nhắc xem từ trước đến nay ông có được hưởng chính sách về việc thương binh hay chưa, vì người này bị thương ở tay. Đối với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra hậu quả, tức đã kết luận ông Chóng hy sinh cũng khó quy kết, bởi không đồng đội nào xác định được ông Chóng còn sống trong trận đánh nhau với địch vào năm 1995 tại Campuchia.
"Việc thụ hưởng chính sách liệt sĩ thì mẹ ông Chóng nhận vì con bà 'hy sinh'. Nay bà đã già yếu, mất sức lao động nên trong quá trình giải quyết ngoài khía cạnh pháp lý, cơ quan chức năng nên xem xét vấn đề đạo lý", luật sư Đức nêu quan điểm.
Gần một tuần trước, rạng sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất, ông Chóng đập cửa nhà cụ bà 87 tuổi Huỳnh Nía ở xã Định Môn. Ông lớn tiếng gọi tên anh ruột là Tư Cao, sau đó người em thứ tám của "liệt sĩ" tưởng hàng xóm say rượu đến quậy phá nên đuổi ông Chóng đi.
Khi hai người đang cự cãi thì cụ Nía xuất hiện. Ông Tư Cao sau đó chạy qua và chị ông Chóng cũng nhận ra người em mà gia đình lập bàn thờ từ năm 1985.
Tác giả: Việt Tường
Nguồn tin: zing.vn