Thế giới

Chủ quyền nguy hiểm nếu phụ thuộc nguồn vốn Trung Quốc

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng việc Kuala Lumpur quá phụ thuộc vào các khoản vay đến từ một nguồn duy nhất là Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm đến chủ quyền của đất nước.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 3-11 - Ảnh: Reuters


Thông điệp được ông Mahathir đưa ra trong bối cảnh Malaysia vừa mới ký 14 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong khi đương kim Thủ tướng Najib Razak có chuyến thăm sáu ngày tới 
Bắc Kinh.

Một trong những thỏa thuận đó là việc Bắc Kinh sẽ rót hơn 13 tỉ USD cho dự án đường sắt dài 600km kết nối các bang phía đông bán đảo Mã Lai. Trung Quốc sẽ đảm nhiệm toàn bộ dự án, từ bản vẽ thiết kế đến cung ứng vật tư và xây dựng. Malaysia sẽ có thời gian hơn 20 năm để trả nợ với lãi suất rất hấp dẫn, bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia tiết lộ ngày 31-10.

Phát biểu trong cuộc họp của Đảng Parti Pribumi Bersatu Malaysia (PPBM) ngày 2-11, cựu thủ tướng Malaysia lo ngại những động thái của Trung Quốc sẽ đẩy Kuala Lumpur và ASEAN ngày càng xa rời các giá trị truyền thống, theo Channel News Asia.

“Dường như chúng ta đang xa rời và không còn đi theo cách của riêng chúng ta nữa. Chúng ta đang không màng tới các chính sách của những nước khác trong khu vực” - cựu lãnh đạo 91 tuổi của Malaysia cảnh báo.

Ông Mahathir nhấn mạnh Bắc Kinh đang cố gắng chia rẽ nội khối, làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Người Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề về yêu sách chủ quyền vô lý của nước này trên Biển Đông theo cách riêng rẽ giữa họ và các nước liên quan hơn là ASEAN với tư cách là tổ chức đại diện của 
khu vực.

“Chúng ta tạo ra ASEAN là để giải quyết những xung đột trong khu vực. Nhưng nếu chúng ta không xem xét đến ý kiến của những nước xung quanh, những mâu thuẫn trong việc giải quyết các vấn đề sẽ ngày càng phát sinh” - ông Mahathir nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp - nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore - nhận định hợp tác giữa Trung Quốc và Malaysia là "có lợi cho cả hai bên. Trung Quốc xuất khẩu được vốn, thiết bị và tìm được hợp đồng cho các công ty, trong khi Malaysia thì được hưởng nguồn tín dụng giá rẻ để phát triển cơ sở hạ tầng".

Tuy nhiên, TS Hiệp cũng cảnh báo: "Sự thắt chặt quan hệ của hai bên có thể nâng cao vị thế Trung Quốc, mở ra viễn cảnh nước này lật ngược thế cờ ngoại giao, nhất là sau những động thái gần đây của Philippines".

Tác giả bài viết: Duy Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP