|
Phối hợp phải đi vào chiều sâu
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bé Thư – Phó Chi cục Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang – cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, QLTT khu vực phía Nam đã kiểm tra 15.840 vụ, phát hiện 9.180 vụ vi phạm, xử lý 9.016 vụ, thu phạt tổng số tiền hơn 101,96 tỷ đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm.
Đánh giá về công tác này, ông Thư nhận định, sự phối hợp ngày càng gắn kết giữa các QLTT đã mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng liên quan đến nhiều đối tượng trên nhiều địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chỉ đạo tại hội nghị |
Tuy nhiên, theo phản ánh của các đại diện QLTT phía Nam, công tác phối hợp vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các đội QLTT có địa bàn giáp ranh trong công tác phối hợp chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin, xác minh hồ sơ vụ việc mà chưa đi xâu vào việc lập kế hoạch, phương án phối hợp kiểm tra cụ thể. Việc phối hợp kiểm tra chủ yếu dừng lại ở các đối tượng vận chuyển, kinh doanh, chưa phối hợp kiểm tra các kho hàng, bến đỗ, nơi tập kết hàng hóa trên địa bàn giáp ranh.
Ngoài ra, biên chế lực lượng QLTT còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác còn thiếu và lạc hậu trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu ngày càng tinh vi và sử dụng phương tiện hiện đại gây khó khăn cho công tác kiểm tra kiểm soát. Mặt khác, văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn nhiều bất cập, chồng chéo. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chỉ trong một thời gian ngắn phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Sự thiếu ổn định đó gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh cũng như công tác thực thi của các cơ quan chức năng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Trong 19 tỉnh phía Nam, Long An, Tây Ninh, An Giang… là những trọng điểm về buôn lậu, đặc biệt là về buôn lậu thuốc lá, đường cát các địa phương này có đường biên giới kéo dài. Theo ông Nguyễn Tấn Vĩnh – Phó Chi cục trưởng Chi Cục QLTT Long An, để giải quyết vấn đề buôn lậu biên giới, ngoài chương trình hành động của QLTT, Chính phủ, chính quyền các địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới nhằm tạo việc làm cho cư dân biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyền pháp luật cho người dân hiểu được tác hại và các chế tài khi tham gia buôn lậu thuốc lá. Đây là giải pháp căn cơ, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá.
Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường |
Theo nhiều đại biểu phản ánh, công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang tồn tại nhiều bất cập. Có những văn bản vừa ban hành năm trước, năm sau đã bãi bỏ hoặc phải sửa đổi, khiến chính những cán bộ thực thi phải bức xúc. Vì vậy, các cán bộ QLTT phía Nam kiến nghị các cơ quan ban hành pháp luật cần cẩn trọng và nâng cao hiệu quả công tác ban hành văn bản.
Liên quan đến đường cát, đây là mặt hàng trọng tâm được QLTT các địa phương phối hợp kiểm tra xử lý và đã tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường. Trao đổi bên lề với Báo Công Thương, ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội mía đường – cho biết, buôn lậu đường trước đây còn lén lút nhưng vài năm nay ngang nhiên thách thức. Các đối tượng chở nguyên bao, nguyên kiện về công khai bày bán.
Là đại diện hiệp hội duy nhất tham gia hội nghị, ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội mía đường - đã đề nghị các cơ quan QLTT tăng cường chống buôn lậu đường cát |
“Nếu các cơ quan phối hợp, thông tin cho nhau, thống nhất cách xử lý thì công tác diệt hàng giả mới hiệu quả” – ông Doanh khẳng định. Theo kiến nghị của hiệp hội này, Cục QLTT, Tổ công tác 334 cần phối hợp với các bộ ngành có liên quan thuộc Ban chỉ đạo 389 quốc gia để triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường.
Ông Doanh cũng đề nghị Bộ Công Thương cho phép Hiệp hội Mía đường Việt Nam được phép ký kết quy chế phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác đặc biệt Ban chỉ đạo 334 Bộ Công Thương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao sự hợp tác của 19 đơn vị trong thời gian qua. Liên quan đến cơ chế phối hợp thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần phối hợp nhịp nhàng, cụ thể với sự hỗ trợ của trang thiết bị, công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu. “Hơn nữa, trong phối hợp thông tin, lập báo cáo, tra cứu dữ liệu giữa các đơn vị QLTT phải làm sao đến năm 2020 sẽ xây dựng hệ thống CNTT để QLTT cả nước cùng tra cứu chung” – Thứ trưởng yêu cầu.
Tác giả: Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng
Nguồn tin: Báo Công thương