![]() |
Nhiều siêu thị giữ giá bình ổn, thậm chí tăng khuyến mãi kéo dài để kéo khách - Ảnh: N.TRÍ |
Với dự báo 2025 cũng sẽ là một năm khó khăn, để tránh rủi ro và kỳ vọng giữ doanh số, nhiều siêu thị đang tăng cường các chương trình khuyến mãi ngay đầu năm, trong khi doanh nghiệp chọn thay đổi phương thức sản xuất hoặc tìm hướng đi mới, thậm chí thu hẹp quy mô để duy trì hoạt động.
Chợ ế, siêu thị thưa thớt khách
Trưa 15-2, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khá vắng khách. Nhiều quầy sạp đóng cửa im lìm, một số treo bảng sang nhượng hoặc cho thuê, trên sạp chất cao những thùng hàng phủ bụi. Ngay cả những vị trí từng được xem là "mặt tiền vàng" - ngay lối vào chính của chợ - nay cũng bỏ trống.
Khu vực trước sảnh cầu thang dẫn lên tầng 2 trở thành bãi giữ xe máy tạm bợ. Đi dạo một vòng quanh chợ, cảnh tượng phổ biến nhất là các tiểu thương ngồi ngủ gật hoặc tám chuyện giết thời gian bởi vì "cùng ế", đặc biệt là các gian hàng kinh doanh thời trang.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - chủ sạp va li, hơn 40 năm bán tại chợ - cho biết tháng giêng mọi năm là lúc bán chạy nhất vì Việt kiều về nhiều, khách mua túi xách và ba lô để đi du lịch hoặc về quê. Nhưng năm nay ế dài. Mùng 6 ra bán một món, mùng 7 chẳng ai mở hàng, mùng 8 bán một món, mùng 11 cũng chỉ bán được một món.
"Chủ sạp giờ không trụ nổi, bỏ hết rồi, trống vài năm rồi sang sạp chẳng ai mướn lại. Trước đây dãy mặt tiền chợ hàng vàng sáng rực, đông khách lắm", bà Tuyết vừa chỉ tay về phía mặt tiền chợ vừa nói.
Trong khi đó, dù là mặt hàng thực phẩm nhưng nhiều người bán cũng chịu chung cảnh vắng khách. Bà Nguyễn Thị Hương, tiểu thương bán hàng thịt tại chợ Tân Định (quận 1), cho biết mở hàng từ mùng 5 Tết nhưng do ít khách nên lượng hàng bán được chỉ bằng 30% ngày thường và bằng 50 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Kỳ vọng chợ Tết nhưng các ngày cao điểm sức mua chỉ bằng 40% thời điểm trước dịch COVID-19. Còn qua Tết sức mua thường sẽ thấp vì nhiều người dân chưa trở lại TP, nhưng tôi cũng không ngờ là thấp đến vậy", bà Hương than.
Tương tự, lượng khách đến các siêu thị và trung tâm thương mại vào thời điểm đầu năm cũng khá khiêm tốn. Chiều 15-2, ghi nhận tại các siêu thị điện máy như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim (quận Bình Thạnh)..., lượng khách vào gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay, có lúc còn không có khách.
Ngay cả các siêu thị kinh doanh ngành hàng thiết yếu như Bách Hóa Xanh, Kingfoodmart, LotteMart..., lượng khách đầu năm cũng không nhiều. "Dẫu biết sức mua sau Tết sẽ giảm nhưng năm nay giảm mạnh so với mọi năm", đại diện một siêu thị nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thu Hiếu (quận 3) cho rằng việc hoạt động kinh doanh của nhiều tiểu thương gặp khó trước và sau Tết là do người dân thắt chặt chi tiêu.
"Gia đình tôi có bốn người trong độ tuổi lao động nhưng tất cả thu nhập đều bị giảm, thậm chí có người nguy cơ đang bị công ty sa thải. Do đó việc cắt giảm chi tiêu là điều phải làm, cắt từ buổi đi chợ hằng ngày đến hoạt đông vui chơi", bà nói.
![]() |
Mặt tiền chợ Bà Chiểu thành chỗ để xe tạm bợ, cửa hàng vàng bỏ sạp cả dãy - Ảnh: NHẬT XUÂN |
Doanh nghiệp chuyển hướng, siêu thị tăng khuyến mãi
Ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, xác nhận dù khuyến mãi liên tục nhưng sức mua chỉ được vài ngày giáp Tết, còn tính cả mùa Tết giảm khoảng 10 - 15% so với năm trước. "Sau Tết chúng tôi chạy khuyến mãi đến hết tháng 2 nhưng sức mua vẫn không khá lên được, có thể giảm 20% so với cùng kỳ năm trước", ông Thiện cho biết.
Theo ông Thiện, năm 2025 có thể vẫn là một năm khó khăn nên đơn vị cố gắng tìm giải pháp để ổn định giá trứng, thậm chí đã trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước về việc có thể xem xét giảm giá bán trứng trong chương trình bình ổn thị trường. "Giá tốt mới kích cầu người dân mua sắm, nếu tăng giá với tình hình sức mua và kinh tế hiện nay sẽ khó bán", ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh - chủ thương hiệu Happy Flower - cho biết trước tình hình kinh doanh gặp khó, ngay đầu năm 2025 đơn vị này phải thu hẹp quy mô kinh doanh, chuyển cửa hàng về địa điểm nhỏ hơn, xa trung tâm hơn và cắt giảm một nửa nhân sự. "Tôi dự định sẽ lấn sân sang lĩnh vực ẩm thực, mở cửa hàng đồ ăn chay... để đa dạng nguồn thu chứ không thể chỉ trông cậy vào ngành hoa", ông nói.
Ông Bùi Trung Kiên, giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng), cũng cho biết đang chủ động giảm quy mô và thay đổi cách thức sản xuất bằng việc tập trung nhiều cho sản phẩm thế mạnh và giảm mạnh với các sản phẩm đại trà như cải thảo, bắp cải, xà lách...
"Các sản phẩm thế mạnh thường không được sản xuất đại trà, ngược lại cải thảo, bắp cải, xà lách... được rất nhiều nông dân gieo trồng. Do đó điều chỉnh hướng sản xuất sẽ giúp hạn chế việc đụng hàng, rớt giá thêm", ông nói.
Cũng xác nhận sức mua sau Tết có giảm vì xu hướng chung, ông Võ Trần Ngọc - giám đốc kinh doanh Saigon Co.op - thông tin đơn vị đang áp dụng chương trình giảm giá 30 - 50% trong 30 ngày sau Tết với nhiều mặt hàng và cố gắng duy trì giá bán bình ổn với mặt hàng thiết yếu.
"Doanh số mùa Tết cơ bản ổn định nhưng trước tình hình kinh tế còn khó khăn, người dân ít tiền hơn nên việc giảm giá để đồng hành cùng người tiêu dùng cũng là cách kích thích sức mua. Chính sách này sẽ được thực hiện thường xuyên hơn", ông Ngọc thông tin.
Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market cho biết đang đẩy mạnh các khuyến mãi như giảm giá hàng thiết yếu, tặng voucher cho khách mua hàng lần hai... ngay sau Tết để kỳ vọng kéo khách mua trở lại khi nhu cầu tiêu dùng đang trong giai đoạn thấp điểm.
Sức mua giảm mạnh không ngờ Theo ông Nguyễn Minh - chủ thương hiệu Happy Flower, dù liên tục cập nhật mẫu mã và tung ra các sản phẩm hoa theo xu hướng giới trẻ như hoa Baby Three dịp 14-2 vừa qua... song doanh số vẫn sụt giảm. "Trước đây khách sẵn sàng chi 750.000 - 1 triệu đồng cho một bó hoa ngày lễ, nhưng năm nay họ tìm đến những mẫu có giá thấp hơn, khoảng 500.000 - 750.000 đồng. Nhu cầu giảm, cạnh tranh lại cao nên doanh thu bị ảnh hưởng đáng kể", ông nói. Là đơn vị sở hữu hơn 30ha trồng rau và có lượng khách ổn định nhưng ông Bùi Trung Kiên cũng cho biết dù giá bán thấp nhưng lượng rau tiêu thụ mùa cao điểm Tết năm nay của đơn vị giảm đến 40 - 50% so với các năm. Sau Tết, khách hàng cũng nhập với lượng khiêm tốn dù giá bán nhiều loại giảm đến 30%. Theo đại diện Công ty Đồng Xanh Farm (Lâm Đồng), dù giữ giá bán thấp nhưng lượng rau củ tiêu thụ trong đợt Tết rồi chỉ bằng phân nửa năm trước. "Hầu hết doanh nghiệp sản xuất rau củ quả và cả bán lẻ đều gặp khó do sức mua sụt giảm mạnh đến không ngờ", vị này nói. |
Tác giả: Nguyễn Trí - Nhật Xuân
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ