Bình luận viên Cary Huang của tờ SCMP trong một bài viết có tựa đề "Trung Quốc nên nhìn lại kỹ năng ngoại giao của mình để giảm căng thẳng khu vực" cho rằng Bắc Kinh nên tìm hiểu lý do tại sao "chính sách quyến rũ" của họ đã không đi đúng hướng, để cho những người hàng xóm phải ngả về phía Mỹ trong việc tìm kiếm một chỗ dựa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị G20.
Về mục đích, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn trấn an thế giới về sự trỗi dậy của họ không mang những vụ lợi cá nhân mà chỉ hướng tới mục đích đem lại hòa bình cho quốc gia và cộng đồng quốc tế nhằm duy trì trật tự thế giới hiện tại.
Sáng kiến "ngoại giao khu phố" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy việc xây dựng một khu vực láng giềng thân thiện là chìa khóa để thực hiện "giấc mơ phục hưng Trung Hoa" của ông.
Hoạch định chính sách của Bắc Kinh cũng đã tung ra những đòn "tấn công thiện cảm" gửi tới khu vực thông qua việc tạo ra các tổ chức liên kết mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á hay sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" - với kế hoạch chi tiết để giúp thúc đẩy Trung Quốc trở thành trung tâm của khu vực trong tiến trình hội nhập.
Thế nhưng mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia, và hầu hết các quốc gia trong 10 nước thành viên ASEAN, đều đang đón nhận những thất bại lớn, bất chấp quan hệ thương mại tăng mạnh thời gian qua.
Căng thẳng gia tăng ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông đã khiến quan hệ của Bắc Kinh với tất cả 8 quốc gia láng giềng trên biển rơi vào bế tắc. Trong khi đó, quan hệ với hầu hết 14 quốc gia trên đất liền cũng không giữ được ổn định.
Cuộc đối đầu Trung-Nhật trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông đã đẩy Bắc Kinh và Tokyo dấn bước vào một cuộc xung đột mới. Hàn Quốc với phê chuẩn hiệp ước cho phép Mỹ triển khai hệ thống THAAD nhằm ứng phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng đã làm rạn nứt tình bạn lâu năm của Seoul và Bắc Kinh.
Sự bất đồng và hoài nghi cũng là trạng thái nổi bật trong quan hệ của Trung Quốc với hầu hết các nước thành viên ASEAN sau phán quyết mang tính bước ngoặt hồi tháng Bảy của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), trong đó phủ nhận yêu sách chủ quyền nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh.
Ấn Độ không hài lòng khi Trung Quốc ngăn cản quốc gia này đàm phán trở thành thành viên của Nhóm cung ứng hạt nhân. Còn Australia đang tỏ rõ khả năng hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ.
Có thể thấy rằng sự trỗi dậy quyền lực của Trung Quốc đang gây lo lắng trong toàn bộ khu vực. Đặc biệt hơn, với lãnh thổ rộng lớn, vị trí địa lý và lịch sử ngàn năm của mình, Bắc Kinh đang tạo thành thế cạnh tranh với Mỹ - siêu cường duy nhất của thế giới, và tự biến mình thành một thực thể phức tạp về mặt địa chính trị.
Căng thẳng giữa hai cường quốc đã chia khu vực thành hai phe đối lập. Thế nhưng thách thức đối với Trung Quốc là nhiều hơn khi Mỹ đang tạo được vị thế lấn lướt so với số ít quốc gia đang ủng hộ cho Bắc Kinh.
Đứng trước sự yếu thế như vậy, có lẽ đã đến lúc Trung Quốc nên dừng việc đổ lỗi cho quốc gia khác, để thay vào đó nên một lần nhìn lại những sai lầm trong chính sách ngoại giao của mình.
Câu hỏi lớn cho Bắc Kinh lúc này đó là: Vì sao những người hàng xóm vẫn không đáp lại nhiệt thành của Trung Quốc, mặc dù họ đã không tiếc công sức đầu tư trong việc cải thiện quan hệ?
Theo bình luận viên Cary Huang, điều này khác xa với những gì hai cựu lãnh đạo Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình làm được trong quá khứ.
Họ có trí tuệ, kỹ năng để quản lý các mối quan hệ một cách hài hòa với hầu hết các nước láng giềng. Đặc biệt giải quyết mọi tranh chấp hiện hữu chỉ ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc trong thời gian hai nước ngập tràn căng thẳng.
Theo logic, lẽ ra các nhà lãnh đạo hiện nay cần phải đạt được những thành tựu tốt hơn người tiền nhiệm của họ bởi điều kiện và ưu thế của Trung Quốc hiện tại là lớn hơn rất nhiều.
Cường quốc châu Á này sẽ còn gặp nhiều những khó khăn trong ước mơ phục hưng quốc gia nếu như họ không thể làm bình ổn tình hình và tạo ra một khu vực chào đón nhiều hơn về sự trỗi dậy của họ.
Tác giả bài viết: Minh Vũ