Pháp luật

Chìm tàu 17 người chết: Phớt lờ cảnh báo thời tiết, ai chịu trách nhiệm?

Theo luật sư, nếu đã có bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm nhưng tàu vẫn được cấp phép chạy thì cần phải xem xét trách nhiệm đơn vị liên quan.

Liên quan vụ chìm tàu cao tốc khiến 17 người chết ở biển Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam hôm 26/2, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố vụ án vì chưa đủ căn cứ.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề dư luận quan tâm là sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan khí tượng thủy văn cho biết đã có cảnh báo về thời tiết nguy hiểm vào ngày 26/2 (thời điểm xảy ra vụ lật tàu 17 người chết), song không hiểu sao các tàu chở khách tuyến Hội An- Cù Lao Chàm vẫn được phép hoạt động.

Tiếp nhận thông tin từ Báo Giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết sẽ chuyển cơ quan điều tra làm rõ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu như có vi phạm trong việc thực hiện các quy định cấp phép cho tàu hoạt động, phớt lờ cảnh báo thời tiết nguy hiểm thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Vụ tai nạn chìm tàu ở Hội An làm 17 người chết đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Theo luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, vụ tai nạn chìm tàu ở Hội An để lại hậu quả quá nặng nề.

Do đó, cần xác định trách nhiệm rõ ràng, khách quan, công tâm để xử lý, ngăn ngừa các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai là điều rất cần thiết.

"Bởi những nỗi đau, mất mát lớn như vậy có thể lặp lại nếu chúng ta bỏ qua các vấn đề pháp lý khi xử lý trách nhiệm", luật sư nói.

Luật sư Trần Hậu phân tích, pháp luật có những quy định rõ chủ thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý cho các hậu quả đã xảy ra, là các chủ thể đã thực hiện các hành vi vi phạm và có lỗi dẫn đến hậu quả đã xảy ra.

Hoạt động vận chuyển trên biển không đơn thuần chỉ là giao dịch dân sự của bên vận chuyển và hành khách mà hoạt động này còn chịu sự quản lý, cấp phép của các cơ quan chức năng liên quan.

Do vậy, không chỉ xem xét trách nhiệm của đơn vị vận chuyển, trách nhiệm cá nhân của người lái tàu, mà còn phải xem xét đến có hay không có sự vi phạm trong công tác quản lý, cấp phép cho tàu chạy của các cơ quan, cá nhân liên quan; các sai phạm đó có phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện nay hay không...

Cụ thể, theo Luật sư Hậu, để làm rõ cần đối chiếu các quy định pháp luật và xác định trách nhiệm pháp lý của từng đơn vị liên quan trong vụ việc như các đơn vị cấp phép hoạt động, quản lý bến thuỷ nội địa, đơn vị bộ đội biên phòng...

Từ việc xác định trách nhiệm, quyền hạn của mỗi đơn vị sẽ thấy được cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra điều kiện hoạt động của tàu, điều kiện của người lái tàu; cơ quan nào có thẩm quyền xác định các điều kiện thời tiết, sóng biển, gió biển để cấp phép tàu chạy…

Đồng thời, cần đánh giá xem việc thực hiện các cơ quan, cá nhân nói trên đã thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ của mình hay chưa.

Quá trình điều tra, xác minh được có những vi phạm trong công tác cấp phép tàu chạy và đây chính là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thì các cá nhân liên quan phải chịu các trách nhiệm pháp lý tương xứng với mức độ vi phạm và lỗi của mình.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây nên các hậu quả như gây thương tích, làm chết người, thiệt hại về tài sản… thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu hành vi vi phạm làm chết từ 3 người trở lên thì mức phạt đối với tội danh này có thể lên đến 12 năm tù.

"Qua thông tin trên Báo Giao thông và các cơ quan báo chí, việc có bản tin cảnh báo thời tiết biển nguy hiểm, có nơi gió cấp 6, quá giới hạn hoạt động của tàu cao tốc đóng kín như QNa - 1152 là thông tin rất quan trọng.

Cơ quan chức năng cần làm rõ việc cấp phát bản tin, thực thi cảnh báo thời tiết này. Các sai sót nếu có phải được xử lý nghiêm, bởi đây có thể là nguyên nhân quan trọng dẫn tới vụ việc", luật sư Hậu nhận định.

Theo quy trình phân cấp của Quảng Nam, việc tàu có được chạy trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm hay không trước hết do đơn vị Biên phòng Cửa Đại căn cứ trên dự báo thời tiết.

Theo TTGT Quảng Nam, việc tàu có được chạy hay không trước hết do đơn vị Biên phòng Cửa Đại căn cứ trên dự báo thời tiết, nếu đảm bảo cho các tàu hoạt động sẽ cấp lịch.

Trên cơ sở đó, tại cảng bến thuỷ nội địa đầu tuyến Cửa Đại, Đội Quản lý bến thuỷ nội địa thuộc TTGT Quảng Nam sẽ cấp giấy phép rời bến ra đảo Cù Lao Chàm nếu đủ điều kiện.

Khi từ Cù Lao Chàm về, Ban Quản lý Bến thuỷ nội địa Cù Lao Chàm thuộc UBND xã Tân Hiệp (Hội An) sẽ cấp giấy phép rời bến.

“Các đơn vị có chung một nhóm zalo để thông tin liên lạc. Trước 7 giờ sáng mỗi ngày sẽ biết lịch, tàu có được chạy hay không.

Đợt gần nhất theo thông báo của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, các tàu phải nghỉ hoạt động từ ngày 21 đến 25/2.

Đến sáng 26/2, Trạm kiểm soát biên phòng thông báo tàu được hoạt động lại vì “thời tiết bình thường””, cán bộ Đội Quản lý bến thủy nội địa, thuộc TTGT Quảng Nam nói.

Lý giải điều này, tại buổi họp báo vụ chìm tàu QNa-1152 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 1/3, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam khẳng định: về việc cấp phép tàu, đơn vị căn cứ vào dự báo của đài khí tượng thuỷ văn Quảng Nam và quyết định của Thủ tướng về tốc độ gió, sóng để cho tàu thuyền hoạt động.

“Lực lượng biên phòng trước khi cho tàu QNa-1152 xuất bến đã kiểm tra đầy đủ. Lúc này, gió Đông Bắc có cường độ 2-3 mét/giây, gió nhẹ. Còn nếu để ảnh hưởng tới sóng thì gió phải 8- 10 mét/giây”, Đại tá Nam nói.

Trong khi đó, tìm hiểu của PV cho thấy, các cơ quan khí tượng thủy văn đã liên tục có những cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển những ngày trước và trong ngày 26/2 (thời điểm xảy ra vụ lật tàu).

Ông Phùng Hồng Long, Trưởng phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cũng cho biết, không rõ Bộ đội biên phòng Quảng Nam thông tin gió Đông Bắc có cường độ 2 -3 mét/giây trên biển Hội An – Cù Lao Chàm ngày 26/2 căn cứ trên dự báo của đơn vị nào.

Tác giả: Xuân Huy - Đại Thắng

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP