Xã hội

Chìm tàu 17 người chết ở Quảng Nam: Chủ tàu nói gì?

Chủ tàu chở 36 du khách gặp nạn ở biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) cho biết, sẽ đến từng gia đình nạn nhân thăm hỏi, động viên, hỗ trợ...

Liên quan đến công tác hỗ trợ các nạn nhân, người tử nạn trong vụ tai nạn chìm tàu ở Hội An vào ngày 26/2, trao đối với PV Báo Giao thông, ông Võ Đức Phong, đại diện Công ty Du lịch Phương Đông (đơn vị tổ chức tour cho các du khách trên), chủ phương tiện tàu Qna-1152 cho hay: Sau khi tai nạn xảy ra, với trách nhiệm, tinh thần cứu người gặp nạn là trên hết, Công ty Du lịch Phương Đông đã huy động 2 tàu ca nô cùng với lực lượng cứu hộ cứu nạn thực hiện tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.

Công tác tìm kiếm, hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân được Công ty thực hiện không ngừng nghỉ, xuyên ngày, xuyên đêm cho đến khi tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng.

Con tàu Qna-1152 chở tất cả 39 người gặp nạn trên biển Cửa Đại vào chiều 26/2.

Theo ông Phong, đây là vụ tai nạn không một ai mong muốn, nguyên nhân đang được cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ trách nhiệm và sẽ xử lý cụ thể. Từ những thông tin xác minh cho thấy nguyên nhân ban đầu khiến con tàu gặp nạn, bị chìm là do sóng lớn.

Vị trí, khu vực tàu gặp nạn có đường giao thoa giữa luồng nước nông và sâu nên thường xuất hiện 2 luồng sóng mạnh. Đúng vào thời điểm chiếc ca nô đi vào khu vực đó lại có cơn sóng ngang lớn ập đến đẩy lật ca nô. Còn có hai thuyền xuất phát vào bờ cùng lúc nhưng do cũng chở đầy khách nên không thể ứng cứu ngay được.

Ông Phong cho biết, con tàu Qna-1152 được sản xuất năm 2016, đăng kiểm vào tháng 11/2021. Tàu được mua bảo hiểm đầy đủ, không chỉ bảo hiểm phương tiện, mà còn cả bảo hiểm cho người đi trên tàu. Ngày 26/2, khi xảy ra tai nạn, tàu chở số người đúng sức chứa, các quy định khác cũng đều đáp ứng. Sau tai nạn, con tàu gần như bị hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại rất lớn.

"Việc giải quyết bảo hiểm, bồi thường theo quy định cho các nạn nhân như thế nào thì chưa rõ, nhưng với tinh thần chia sẻ nỗi đau, mất mát, thiệt hại, Công ty chúng tôi với trách nhiệm là chủ phương tiện sẽ trực tiếp đến từng địa phương, từng gia đình, nạn nhân để thăm hỏi, hỗ trợ", ông Phong nói.

Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật sư FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho biết: Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của hành khách, theo quy định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015, trong trường hợp này chủ tàu phải bồi thường thiệt hại do người người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 528 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định, trong trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Vụ tai nạn chìm tàu ở Hội An làm 17 người chết.

"Do đó, trong vụ việc này, Công ty Phương Đông (đơn vị vận tải) phải bồi thường thiệt hại cho lái tàu, thuyền viên và hành khách. Trường hợp xác định người lái tàu có lỗi thì sau khi bồi thường cho hành khách, Công ty Phương Đông có quyền yêu cầu người lái tàu hoàn trả lại một khoản tiền phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Tín cho biết.

Theo Luật sư Tín, trong trường hợp khác, nếu Công ty Phương Đông có mua bảo hiểm tai nạn hành khách (không phải là bảo hiểm bắt buộc) thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào tổn thất thực tế và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thực tế, có nhiều vấn đề về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên phải dựa trên nội dung cụ thể của hợp đồng bảo hiểm, do đó cần làm rõ thêm các nội dung hợp đồng bảo hiểm mới làm rõ trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.

Trước băn khoăn, trường hợp vé tàu đã bao gồm bảo hiểm tai nạn hành khách thì những khách hàng không có vé có được bảo hiểm chi trả tiền bồi thường?, luật sư Tín cho biết, theo quy định tại Điều 523 Bộ Luật Dân sự 2015, Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.

"Như vậy, trong trường hợp không có vé nhưng có cơ sở xác định rằng hành khách và bên vận chuyển đã xác lập hợp đồng vận chuyển bằng lời nói hoặc bằng sự thừa nhận của các bên, hoặc hành vi cụ thể (hành khách giao tiền phí vận chuyển, bên vận chuyển chở hành khách đến địa điểm đã định theo thoả thuận) thì hành khách không có vé cũng được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bồi thường", luật sư Tín thông tin.

Khoảng 15h30 chiều 26/2, tàu cao tốc Phương Đông chở theo 39 người từ Cù Lao Chàm vào đất liền. Khi đến vùng biển Cửa Đại (cách bờ khoảng 2km) thì bị lật. Hậu quả, 13 người đã tử vong, 4 người mất tích.

Các nạn nhân tử vong được lực lượng chức năng phát hiện tại hiện trường gồm: Dương Thị Khánh Dương (SN 1998, trú tại Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Thị Khiêm (SN 1982, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Đỗ Thị Bích Hảo (SN 1983, Công ty May quân đội X20), Đặng Mai Phương (SN 1984, Công ty May quân đội X20), Dương Văn Minh (SN SN 1976, thuộc Công ty May quân đội X20), Nguyễn Văn Hưng (SN 1980, trú tại Đông Anh, Hà Nội). Trịnh Thị Minh Nguyệt (SN 2005, trú tại Đông Anh, Hà Nội), Ngô Thị Oanh (SN 1982, trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Ngô Huy Hoàng (2007), Ngô Thị Nga (SN 1988, trú tại Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Thị Kim Lan (SN 1973, trú quận Gò Vấp, TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Lan (SN 1978, trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1971, trú quận Gò Vấp, TP.HCM). Các nạn nhân thuộc nhóm của Dương, Hùng, Oanh.

4 nạn nhân mất tích gồm Nguyễn Minh Quang (SN 2019), Ngô Huy Hiếu (SN 2010), Nguyễn Mai Anh (SN 2019, cùng trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Thị Giản Đơn (SN 1998, trú tại Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội).

Trong ngày 28/2, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân cuối cùng là cháu Nguyễn Minh Quang và cháu Nguyễn Mai Anh. Trước đó, thi thể các nạn nhân Ngô Huy Hiếu và Nguyễn Thị Giản Đơn cũng đã được lực lượng chức năng tìm thấy.

Tác giả: Đại Thắng

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP