Tin địa phương

'Chiêu ngọt ngào' của cảnh sát Đà Nẵng và tính nghiêm minh của pháp luật

Đối với việc Đà Nẵng nêu danh sách phương tiện vi phạm lên Facebook, nhiều người dân rất đồng tình và hưởng ứng và đại diện Phòng CSGT TP Đà Nẵng cũng đã nhấn mạnh đây là việc làm tế nhị. Tuy nhiên, những cách phạt trước đây mà Đà Nẵng từng áp dụng được dư luận tán thành song ở khía cạnh quản lý nhà nước lại gây không ít tranh luận.

Ảnh minh họa.

Chẳng hạn như chuyện CSGT Đà Nẵng xử phạt kẹo người vi phạm giao thông, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương cho rằng đó là cách làm riêng của thành phố này và phía Hải Dương không áp dụng các biện pháp như vậy.

Cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ những việc làm mang ý nghĩa nhân văn và lan tỏa cộng đồng như Đà Nẵng đã làm song Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, CSGT khi xử phạt mà yêu cầu người vi phạm mua thứ đồ gì đó ủng hộ người nghèo hay người bán rong, dù giá trị không là bao nhiêu nhưng tôi cho rằng điều đó vượt quá quy định, điều lệ và thẩm quyền của CSGT”.

Còn hình thức bắt người vi phạm “chép phạt”, CSGT tỉnh Quảng Nam thường xuyên quán triệt toàn lực lượng phải luôn cảnh báo, nhắc nhở người dân nhằm mục đích đảm bảo sự an toàn của họ và những người cùng tham gia giao thông, đồng thời thực thi đúng pháp luật về giao thông. Do đó, Quảng Nam quan niệm chép phạt không gọi là phạt bởi quy định của pháp luật không có hình thức đó, chỉ có phạt hành chính, phạt cảnh cáo, nhắc nhở lần đầu...

Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nhận xét, việc chấp hành luật giao thông cần hiểu là một hành vi tự giác. Việc không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, lỗi vượt tốc độ... được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đã lâu rồi, “không thể vin mãi vào cớ quên, lỡ mà phạt nhẹ. Bây giờ phải phạt nặng đi thôi. Mà cái phạt đó là để nhắc nhở và nâng cao ý thức của họ, cuối cùng cũng vì sức khỏe và tính mạng của họ mà thôi”.

Đối với những trường hợp vi phạm do lỗi khách quan, không cố ý, do hoàn cảnh chi phối, lực lượng CSGT cũng không hề làm khó họ, bắt phạt mà tạo điều kiện như nhắc nhở, cảnh cáo. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy sẽ gây tâm lý phụ thuộc, người dân cứ vin vào cớ đó để vi phạm thì sẽ tạo thành hiệu ứng, khi đó việc nhắc nhở, cảnh cáo sẽ không còn tác dụng mà thay vào đó phải mạnh tay xử lý. Hơn nữa, xét về khía cạnh chuyên môn, làm thế là chưa nghiêm, sẽ tạo tâm lý coi thường việc thực hiện luật của người dân đối với lực lượng thực thi pháp luật.

Liên quan đến “chiêu” xử chép phạt với người vi phạm đi ngược chiều, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản phân tích: Hành vi đi ngược chiều của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt phải bị xử phạt từ 200 – 400 nghìn đồng, không áp dụng hình phạt cảnh cáo.

Việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp cụ thể cần phải cân nhắc, xem xét thỏa đáng tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để phạt tiền ở mức hợp lý (điểm c khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC).

Do đó, việc XLVPHC của chiến sỹ CSGT là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, mang nặng ý chí chủ quan của người thực thi công vụ, không bảo đảm tính chính xác, khách quan, thống nhất, công bằng trong thực thi pháp luật về XLVPHC.

Để đảm bảo trật tự quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về XLVPHC, văn bản của Cục đề nghị Công an TP Đà Nẵng có ý kiến chỉ đạo kịp thời trên tinh thần không khuyến khích việc chủ động, sáng tạo, tùy tiện đưa ra áp dụng các hình thức xử lý “độc đáo, sáng tạo”, mang nặng tính chủ quan của người thực thi công vụ, đảm bảo việc thực thi pháp luật về XLVPHC được nghiêm minh, thống nhất, khách quan, công bằng trong toàn quốc.

Tác giả: Thành Công

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP