Thế giới

Chiến dịch làm ngơ trước phán quyết 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc đang nỗ lực để thế giới biết rằng họ "thực sự, chắc chắn và tuyệt đối không quan tâm đến phán quyết 'đường lưỡi bò'".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tuyên bố không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa trọng tài đối với "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương đưa ra để yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Reuters

Trung Quốc sáng qua tung ra một video ca nhạc với tựa đề "vụ kiện Biển Đông, ai quan tâm?". Video do trang doo.cc và Qing Wei Studios, một đơn vị có liên quan tới Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, đăng tải, theo Washington Post.

Video ghép nối hình ảnh các chiến hạm Trung Quốc cùng hàng loạt đoạn clip nhỏ quay cảnh những người trẻ tuổi nước này thể hiện sự "không quan tâm" tới phán quyết mà Tòa Trọng tài do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, vừa công bố bằng cách lặp đi lặp lại câu "Biển Đông, ai để ý?" trên nền nhạc điện tử.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thể hiện "thái độ phớt lờ" khi từ chối giải thích tòa đưa ra phán quyết như thế nào.

Xinhua là hãng thông tấn chính thống đầu tiên của Trung Quốc lên tiếng về vụ việc, bác bỏ phán quyết từ Tòa Trọng tài. Hãng này nhấn mạnh Trung Quốc "không chấp chận và không công nhận phán quyết yếu kém" của tòa về "đường lưỡi bò".

People's Daily và Global Times không lâu sau đăng các bài viết gọi phán quyết của tòa là "vô nghĩa", "trống rỗng" nhưng lại không cung cấp thông tin chi tiết, khiến vô số người dùng mạng Trung Quốc không hiểu họ đang muốn nói đến vấn đề gì, quan sát viên Emily Rauhala và Simon Denyer từ Washington Post cho hay. "Phán quyết gì vậy?" là câu hỏi chung của nhiều người.

"Không chấp nhận. Không tham gia. Không thừa nhận. Không thực hiện" là thông điệp được đăng tải bằng tài khoản mạng xã hội Weibo của tờ People’s Daily.

Chương trình tin tức buổi tối Xinwen Lianbo của Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mở đầu bằng thông tin về những cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) rồi tiếp đó mới đến tin về Biển Đông. Không đề cập đến vụ kiện nhưng biên tập viên của chương trình lại nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ phớt lờ phán quyết.

Bên cạnh đó, một số trang tin tức nước ngoài cũng bị chặn ở Trung Quốc.

Tại The Hague, các sinh viên Trung Quốc đã dành ba tháng soạn thảo một văn bản dự đoán về việc phán quyết từ Tòa Trọng tài sẽ bất lợi cho Trung Quốc, chỉ để thể hiện sự thờ ơ của mình trước vụ kiện.

"Chúng tôi không thể tin một vụ kiện kỳ lạ như vậy lại có thể được chuyển tới The Hague, thủ phủ của luật pháp quốc tế", Xinhua dẫn lời sinh viên Peng Qinxuan nói. Một học sinh khác tên Wang Zhili cho rằng truyền thông phương Tây "đã quá phiến diện về vụ việc".

Trở lại Trung Quốc, Global Times dùng từ "không biết xấu hổ" để miêu tả Tòa Trọng tài, đồng thời so sánh phán quyết vụ kiện Biển Đông là "một đống giấy lộn".

Ngoài tập trung đăng những bản tin, bài viết thể hiện sự không quan tâm của mình, Trung Quốc cũng nỗ lực khắc họa bản thân như một bên bị chèn ép trong vụ kiện Biển Đông.

Hôm 11/7, tờ People's Daily đăng một bài xã luận cho rằng Bắc Kinh "là nạn nhân" trong tranh chấp Biển Đông, khi Tòa Trọng tài sắp công bố phán quyết. Trên trang nhất của báo này, tác giả bài viết nhận xét vụ kiện mà Philippines đưa ra là một "âm mưu bên ngoài nhằm làm suy yếu và làm bẽ mặt Bắc Kinh".

Trung Quốc bồi đắp cải tạo trái phép đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Digital Globe


Tòa Trọng tài hôm qua ra phán quyết, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc.

Trong khi truyền thông Trung Quốc dành nhiều bình luận tiêu cực về phán quyết của tòa thì hàng loạt hãng thông tấn, cơ quan báo chí lớn trên thế giới lại đồng loạt ca ngợi phán quyết.

Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, nhận định "phán quyết này là một đòn giáng về pháp lý vào tuyên bố quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông".

Hãng tin AP dẫn lời một giáo sư về kinh tế chính trị châu Á miêu tả phán quyết của tòa đã tạo ra một "thời khắc chuyển mình" của khu vực.

Guardian nhấn mạnh "Bắc Kinh đã thua trong một vụ kiện quốc tế quan trọng đối với các rạn san hô và bãi cạn chiến lược có khả năng mang đến cho họ quyền kiểm soát những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông". Theo tờ báo này, phán quyết của tòa hoàn toàn có lợi cho Philippines và sẽ gia tăng các áp lực ngoại giao toàn cầu lên Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải thu hẹp quy mô hoạt động quân sự ở Biển Đông. Phán quyết đồng thời vô hiệu hóa "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra.

Diễn tiến vụ kiện Biển Đông. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP