Xã hội

Chi tiền 'bịt miệng' chủ tàu vỏ thép nằm bờ?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết đã yêu cầu công an điều tra những khuất tất, khả năng có chuyện "đi đêm" đằng sau những con tàu vỏ thép mới đóng xong đã hư nặng.

Ngư dân Trần Đình Sơn (phải) ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS - có mặt trên tàu khi đại diện ủy quyền phân phối máy Doosan tại Việt Nam đến kiểm tra - Ảnh: THÁI THỊNH

Tại hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo nghị định 67/CP diễn ra ở Bình Định sáng 9-6, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết như trên.

Cùng ngày, nhiều chủ tàu đã gửi đơn tố cáo các nhà máy đóng tàu dùng hàng trăm triệu đồng để đề nghị ngư dân rút khiếu nại trước khi tổ thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định đi kiểm tra.

Kiểm tra đến đâu, 
sai phạm đến đó

Ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết kết quả kiểm tra bước đầu với 18 chiếc tàu vỏ thép hư hỏng, tổ thẩm định độc lập cho thấy vỏ tàu bị gỉ sét nặng, dùng thép Trung Quốc thay cho thép Hàn Quốc trong hợp đồng, chất lượng và quy trình sơn tàu không đảm bảo.

Đặc biệt, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi, bên trong có thể là máy bộ chứ không phải máy thủy, nhiều máy bị hư hỏng phải sửa chữa và không đồng bộ trang thiết bị hàng hải...

Ông Trần Châu cũng cho rằng 18 con tàu vỏ thép mới bị hư hỏng tập trung ở hai nhà máy của Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương là “rất có vấn đề”.

“Mới đây ngư dân lại đề nghị không thẩm định độc lập tàu hư của họ nữa. Đây là chuyện kỳ lạ, có vấn đề, không loại trừ khả năng có “đi đêm” (giữa nhà máy và chủ tàu).

Rồi đại diện Mitsubishi báo cáo là tám trong chín máy mang nhãn hiệu công ty này lắp cho tàu vỏ thép ở Bình Định không phải hàng chính hãng thì lại càng có vấn đề hơn nữa” - ông Châu khẳng định.

Theo ông Teddy Trương Thưởng - đại diện của Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) tại Singapore, các kỹ sư của hãng đã kiểm tra và phát hiện máy chính và máy phát điện mang nhãn Mitsubishi của tám chiếc tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng cho ngư dân Bình Định có dấu hiệu bị cải hoán.

“Các máy này có hoán cải cho phù hợp với môi trường thủy, như bơm nước biển lắp rời, bộ giải nhiệt có cải tạo, chưa kể máy phát điện có dấu hiệu không phải của hãng...” - ông Thưởng nói.

“Dấu hỏi đặt ra là tại sao cả nước đóng 297 tàu vỏ thép mà hư hỏng lại chỉ tập trung ở tỉnh Bình Định, lại chỉ hai nhà máy của Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, hầu hết đều là vay vốn từ Ngân hàng BIDV?”, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng chuyện 18 tàu vỏ thép ở Bình Định hư hỏng nặng là “một bài học thấm thía”.

Ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Ảnh: DUY THANH

Tôi đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Công an để vào cuộc điều tra vấn đề này

Nhà máy “đi đêm” với chủ tàu?

Khi hay tin có hội nghị này, ngư dân Trần Đình Sơn (chủ tàu BĐ 99245 TS) đã mang theo đơn báo cáo đến nộp cho cơ quan chức năng.

Theo ông Sơn, ngày 5-6, hai ngày trước khi tổ thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định kiểm tra các con tàu hỏng, ông Nguyễn Hoàng Tân - giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu và ông Bùi Hữu Hùng - phó giám đốc công ty - gặp riêng ông “nói chuyện tình cảm”.

“Ông Tân và ông Hùng đề nghị tôi rút mọi hồ sơ đã gởi các cơ quan chức năng khiếu nại về việc máy tàu vỏ thép của tôi bị hư hỏng, bù lại công ty sẽ lắp máy mới để tôi sớm đi biển lại, đồng thời hỗ trợ tôi 100 triệu đồng.

Tôi không biết viết gì, ông Tân đánh máy luôn đơn đề nghị rút khiếu nại và văn bản thỏa thuận giữa tôi với công ty, đưa tôi ký rồi nhận 100 triệu đồng.

Tôi có nói tôi phải có sự đồng thuận của gia đình và tham khảo thợ máy khác xem việc lắp máy mới có an toàn hay không rồi trả lời chính thức, nhưng sau đó họ tự gởi đơn xin rút khiếu nại của tôi cho cơ quan chức năng” - ông Sơn kể.

Trưa 7-6, ông Sơn đã mang 100 triệu đồng trả lại cho ông Tân, có ghi biên nhận và ông Tân đã ký tên, nhận lại số tiền trên.

“Tối cùng ngày, ông Tân điện thoại tiếp tục thuyết phục tôi rút đơn để lắp máy ngày 12-6, nếu không thì họ lập biên bản rồi ra tòa án, đến năm 2018 mới xong. Tuy nhiên tôi không đồng ý” - ông Sơn cho hay.

Ông Thái Văn Duyệt (chủ tàu vỏ thép BĐ 99160 TS) cũng cho biết ngày 4-6, ông Nguyễn Hoàng Tân có gặp gỡ vợ chồng ông đề nghị hỗ trợ 200 triệu đồng, đồng thời yêu cầu rút đơn khiếu nại công ty.

Ông nói: “Tàu tôi đóng 20 tỉ đồng, đi biển hư liên tục, lỗ lã hàng trăm triệu, nên tôi không đồng ý nhận tiền để rút đơn. Nhận khoản tiền ấy rồi tôi ôm nợ cả đời, đánh cược tài sản và tính mạng mình với con tàu thiếu an toàn này hay sao. Tôi muốn cơ quan chức năng làm rõ trắng đen!”.

Theo ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, có bảy ngư dân (5 ở huyện Hoài Nhơn và 2 ở huyện Phù Cát) đã làm đơn xin rút khiếu nại Công ty Nam Triệu và đề nghị không thẩm định độc lập tàu của họ.

Tuy nhiên, đến sáng 9-6, sáu ngư dân thống nhất không rút đơn nữa và để tổ kiểm định kiểm tra hư hỏng của tàu. Riêng ông Lê Hoài Thanh (chủ một tàu đang đi đánh bắt) không đồng ý giám định, với lý do nhận được 250 triệu đồng hỗ trợ từ công ty để khắc phục hư hỏng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-6, ông Nguyễn Hoàng Tân cho rằng không hỗ trợ tiền để đề nghị ngư dân rút đơn khiếu nại công ty. Và “công ty chỉ bàn phương án đưa tàu lên đà để sửa chữa, sơn lại. Phần tiền hỗ trợ là để khắc phục hậu quả do những hư hỏng của tàu”.

Phải điều tra hình sự

Ông Trần Châu cho biết đã chỉ đạo tổ thẩm định độc lập của UBND tỉnh phải thẩm định tất cả tàu vỏ thép có vấn đề dù ngư dân có rút đơn khiếu nại hay không.

“Khi có kết quả, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm khắc. Tôi đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Công an để vào cuộc điều tra vấn đề này.

Cơ sở đóng tàu mà không có lương tâm, cố tình làm sai, làm phi pháp để tàu hư hỏng phải được xử lý triệt để, có thể xem xét về mặt hình sự nếu nghiêm trọng” - ông Châu nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết trước mắt bộ đã quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng tàu mới theo nghị định 67 đối với hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương để họ có trách nhiệm khắc phục sự cố hư hỏng của 18 con tàu tại Bình Định.

“Chúng tôi sẽ xem xét liệu có để họ trong danh sách các nhà máy đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép trong chương trình nghị định 67 hay không”.

Ông Tám cũng ủng hộ đề xuất của Bình Định là những tàu có vỏ bị gỉ sét do thép không đúng hợp đồng, nhà máy có trách nhiệm phải thay thép đúng chủng loại, quy chuẩn. Máy tàu không đúng máy thủy mới nguyên chiếc phải thay bằng máy mới.

Việc khắc phục phải được triển khai nhanh để sớm đưa những con tàu bị hư hỏng trở lại ngư trường. Ông Tám đề nghị tỉnh Bình Định có đề xuất để bộ báo cáo Chính phủ có chính sách giúp đỡ bà con.

Theo ông Tám, Tổng cục Thủy sản rà soát quy chuẩn, điều kiện của các cơ sở đóng tàu, thiết kế mẫu tàu, nếu có khiếm khuyết phải bổ sung, chỉnh sửa. Rà soát, chấn chỉnh quy trình, công tác đăng kiểm tàu cá, nhất là tàu vỏ thép.

Toàn bộ 297 tàu vỏ thép đã đóng đều do đơn vị đăng kiểm của tổng cục đăng kiểm, tại sao lại để xảy ra những hư hỏng lớn như ở Bình Định?

“Tôi tin không chỉ 21 con tàu vỏ thép ở Bình Định và Phú Yên hư hỏng, mà các tỉnh khác cũng có tình trạng này. Các địa phương tổng rà soát tàu vỏ thép đã đóng để khắc phục lỗi ngay” - ông Tám nói.

Tác giả: DUY THANH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP