Trong nước

Chỉ có một cuộc đời để sống...

Chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng có những người đã chọn cho mình một thái độ sống tiêu cực. Để rồi cả cuộc đời của họ là vết trượt dài, mà phía cuối con dốc ấy là hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật: bị tước đi quyền sống.


Những bị cáo đã gặp ở chốn pháp đình làm tôi nhớ đến những nhân vật bị xếp vào thành phần dưới đáy xã hội trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, chứ không mong họ hiện hữu ngoài đời thực...

Phía sau một vụ thảm án

Ngày 6-12-2015, vụ thảm án làm 2 người chết, 2 người bị thương trong một gia đình ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) làm bàng hoàng dư luận. Những thành phần bất hảo ở địa phương được đưa vào diện tình nghi. Không nằm ngoài dự đoán của cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi) bị bắt sau hai ngày gây án.

Kỳ được xếp vào thành phần có “quá khứ đen” bởi nghiện ma túy, dày đặc tiền án tiền sự, không nhà cửa, không người thân thích...

TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Văn Kỳ về hai tội giết người và cướp tài sản. Không có người thân, bạn bè nào của Kỳ đến tòa để mong được gặp mặt.

Trước đó, Kỳ đã 3 lần hầu tòa về các tội liên quan đến ma túy và trộm cắp tài sản. Tháng 5-2015, Kỳ được trở về địa phương sau 7 năm ngồi tù thì chỉ ít tháng sau đã tiếp tục gây án.

“Bị cáo đã nói với bị hại tao chỉ là thằng trộm cắp vặt, mày bỏ tao ra nếu không sẽ xảy ra án mạng, nhưng bị hại vẫn không buông bị cáo ra. Bị họ đánh đau quá khiến bị cáo khua dao lung tung...” - Kỳ khai.

Vụ án xảy ra vào khuya 6-12-2015, khi Kỳ trèo tường vào nhà ông Nguyễn Lương Chuân (xã Canh Nậu) trộm hai chiếc điện thoại thì bị anh Nguyễn Lương Chỉnh, con trai ông Chuân, phát hiện và tri hô.

Ba lần Kỳ leo lên giữa tường để trốn đều bị anh Chỉnh kéo xuống. Kỳ rút dao đâm hai cha con ông Chuân tử vong, vợ và con trai đầu của ông Chuân bị thương nặng.

Mất mát quá lớn đã khiến gia đình bị hại đề nghị tòa phải tử hình bị cáo thì họ mới chấp thuận.

Có lẽ biết mình không còn đường sống nên trước khi ra tòa, Kỳ bày tỏ nguyện vọng được hiến xác sau khi tử hình. Bị cáo nói trong giờ nghị án: “Những ngày trong trại giam tôi đã vô cùng hối hận về hành vi của mình. Tôi mong được hiến xác cho y học nghiên cứu để chuộc lại lỗi lầm. Đó là việc làm có ý nghĩa đầu tiên cho cuộc đời mà tôi có thể làm”...

Với án tử hình được tuyên, không biết ý nguyện về việc làm “có ý nghĩa đầu tiên cho cuộc đời” của bị cáo có trở thành hiện thực. Giá như suốt mấy chục năm tồn tại trên đời, người đàn ông ấy biết nghĩ về những “việc làm có ý nghĩa cho cuộc đời” thì có lẽ bây giờ số phận bị cáo đã khác...

“Tử hình đấy mẹ ạ”

Một ngày sau khi phiên tòa xử Nguyễn Văn Kỳ diễn ra, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Minh Tâm (quê Hòa Bình). Cũng như Kỳ, Tâm đến tòa chỉ có một mình. Mới 29 tuổi nhưng Tâm có tới 4 tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp và bị cưỡng chế tập trung cai nghiện.

“Điều gì đã khiến chàng trai trẻ để cuộc đời mình lao xuống một con dốc không phanh như thế?”. Câu hỏi ấy cứ vang lên trong tôi khi nhìn Tâm cúi đầu trước vành móng ngựa. Vị chủ tọa chất vấn: “Sao bị cáo cứ để mình vào tù ra tội, sao được giáo dục nhiều lần rồi mà cứ coi thường pháp luật?”. Tâm trả lời: “Vì bị cáo nghiện ma túy. Làm không đủ ăn, không đủ hút, phải đi trộm cắp vặt”.

Cuộc đời Tâm là bước trượt dài trong những cơn say ma túy. Sau khi ra tù, Tâm cùng mẹ và ông Đàm Ngọc Thủy (46 tuổi) thuê nhà trọ ở quận Hoàn Kiếm để đi làm phụ hồ. Đêm 20-2-2015, Tâm cùng ông Thủy gặp chủ thầu ứng mỗi người 100.000 đồng để mua ma túy sử dụng. Khi chích thuốc xong, Tâm thấy không “phê” như mọi lần nên cho rằng ông Thủy pha thuốc giả. Hai người cự cãi nhau, Tâm dùng dao đâm ông Thủy một nhát làm ông tử vong tại chỗ.

“Em cũng từng mơ theo nghề lái xe để nuôi mẹ” - bị cáo nói với tôi trong giờ nghị án. Tâm là con trai duy nhất của một bà mẹ nghèo. Năm con được 4 tuổi, bà Phạm Thị Thắng bỏ chồng rồi ôm con từ Quảng Bình về Hòa Bình sinh sống. Học hết lớp 7, Tâm xin mẹ bỏ học theo bạn bè học nghề lái xe.

Khi mới vào nghề, số tiền công phụ lái ít ỏi Tâm đều đưa về cho mẹ. Đến khi Tâm nghiện ma túy thì những khát vọng đẹp đẽ biến mất, thay vào đó là những ngày vào tù và trại cai nghiện. Bị hại và bị cáo quen nhau từ trong tù.

Khi ông Thủy được ra tù trước, Tâm nhờ ông về Hòa Bình báo tin cho mẹ. Gặp nhau, bà Thắng và ông Thủy hai người “rổ rá cạp lại” rồi cùng xuống Hà Nội làm phụ hồ. Tâm ra tù, mới đến làm cùng mẹ được 5 ngày thì gây án.

Mãi đến khi tòa nghỉ nghị án, người phụ nữ mới hớt hải lao vào phòng xử. Tâm ngạc nhiên thốt lên “ô mẹ à”. Câu nói thứ hai tôi nghe bị cáo nói với mẹ là “tử hình đấy mẹ ạ” khi tòa tuyên án xong. Con bình thản bước đi mà mẹ thì òa khóc. “Con ơi con phải cố gắng lên, mẹ chỉ có mỗi mình con thôi. Con chết thì mẹ sống thế nào...” - bà Thắng đứng khóc khi xe tù đã rời đi...

Vết sẹo trong lòng mẹ

Người phụ nữ ấy đã ban tặng cho con một cuộc đời rất đẹp, nhưng con trai bà đã buông mình theo những cám dỗ, bỏ lại tất cả hi vọng đẹp đẽ của mẹ phía sau lưng. Để giờ đây, điều còn lại sau án tử hình là vết sẹo tồn tại mãi mãi trong lòng người mẹ...

Tác giả bài viết: Tâm Lụa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP