Các nhà quản lý cũng đang xem xét những rủi ro mang tính hệ thống khi gặp trục trặc về công nghệ thông tin. Ngoài ra, những đối tượng thiệt thòi trong xã hội, như người già hay người khuyết tật vốn phụ thuộc vào tiền mặt nhiều hơn, sẽ càng lạc lõng hơn trong một thế giới thiếu phương tiện thanh toán này.
Tất cả đều ủng hộ giữ một hệ thống lành mạnh tại chỗ, tức là tiền mặt.
Ngân hàng Trung ương châu Âu ngừng in và phát hành mới tiền giấy mệnh giá 500 euro từ năm 2016 và có kế hoạch ngừng lưu thông mệnh giá này vào cuối năm 2018 Ảnh: REUTERS |
Một nghiên cứu hồi tháng 11-2017 của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy trong khi gần 80% các hoạt động thanh toán vẫn dùng tiền mặt ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), các nước như Estonia, Hà Lan và Phần Lan đã sử dụng thanh toán điện tử cho khoảng một nửa giao dịch. Theo nghiên cứu từ Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank, thanh toán tiền mặt tại các cửa hàng ở nước này chỉ còn chiếm khoảng 13%.
Trong khi đó, báo cáo của Hội đồng Bán buôn và Bán lẻ Thụy Điển cho thấy hơn một nửa các chi nhánh ngân hàng trong nước không còn sử dụng tiền mặt.
Hệ thống số hóa có thể dễ dàng bị tin tặc đánh sập trong khi tiền mặt lại dễ dàng cất giấu bất cứ đâu, như trong xe hơi, lò sưởi - theo quan điểm của ông Björn Eriksson, người đứng đầu nhóm vận động hành lang ủng hộ tiền mặt Cash Uprising tại Thụy Điển.
Nhà hoạt động từng giữ cương vị đứng đầu cơ quan chống tội phạm của Interpol này nhấn mạnh thêm: "Tôi có thể thấy sự lo ngại gia tăng trong nước về điều gì sẽ xảy ra khi ai đó quyết định ngắt mạch (hệ thống). Bạn có thể làm gì để xã hội tiếp tục vận động?".
Theo chuyên gia Kevin Curran chuyên về an ninh mạng ở Trường ĐH Londonderry (Bắc Ireland), nhiều người ở châu Âu đã ít nhiều nếm trải vị đắng trong sự cố dịch vụ thẻ tín dụng Visa tê liệt hồi tháng 6 do lỗi hệ thống. Các khách hàng trên khắp Liên minh châu Âu không thể thanh toán cho dịch vụ cũng như mua hàng và giới chức trách lúc đó không có kế hoạch dự phòng cho tình huống này.
Theo Tạp chí Politico, một số cuộc khủng hoảng an ninh đã nổ ra, thúc đẩy các ngân hàng trung ương thiết lập hệ thống dự phòng và tiến hành các thử nghiệm. Tiền mặt giữ vị trí quan trọng trong phần lớn những kế hoạch như vậy.
Tại cuộc hội thảo gần đây ở Brussels - Bỉ, Thống đốc Ngân hàng quốc gia Áo Ewald Nowotny khẳng định các ngân hàng trung ương ngày càng khẳng định sự quan trọng của tiền mặt. "Chẳng hạn xảy ra mất điện, tiền mặt là cách thanh toán duy nhất sống sót" - ông này nhấn mạnh.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động